Đau dữ dội vì u cuộn mạch

Chị Đỗ Thị M. (32 tuổi, Hà Nội) luôn xuýt xoa, khổ sở vì đau mỗi khi tay phải của chị chạm nhẹ vào đâu đó.

Chị đi khám nhiều nơi nhưng không tìm ra bệnh, bác sĩ nói không sao nên chị đành sống chung với nó. Lúc đầu chị còn chịu được vì các cơn đau cứ nhói lên rồi biến mất, nhưng gần đây sau ba năm đau đớn chị thấy dưới móng tay trỏ và giữa xuất hiện hai u nhú, nó làm chị đau liên tục, lan tỏa và buốt dữ dội đến tận cánh tay.

Có nhiều khi đau quá, chị lấy dây thun buộc ngón tay lại để máu không lưu thông, ngón tay tím đen nhưng cơn đau vẫn không bớt. Đi khám tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội mới được kết luận u cuộn mạch và được phẫu thuật cắt bỏ, nhờ đó những đau đớn kéo dài mới chấm dứt.

TS Trần Trung Dũng, giảng viên khoa cơ xương khớp Đại học Y Hà Nội, cho biết u cuộn mạch là một loại bướu lành tính, hay gặp ở người trẻ (20-40 tuổi). Cuộn mạch (neuromyoarterial glomus) là một cấu trúc giải phẫu nằm dưới da, có ở nhiều vị trí trên cơ thể cũng như trong các cơ quan, tuy nhiên thường gặp nhất là ở đầu các ngón tay và ngón chân.

Đau dữ dội vì u cuộn mạch
Phẫu thuật cho bệnh nhân bị u cuộn mạch - Ảnh minh họa.
 
Cấu trúc này là một phức hợp trong đó chủ yếu là các thông nối trực tiếp từ động mạch sang tĩnh mạch. Ngoài ra là các loại tế bào và các đầu mút thần kinh đi cùng các mạch máu. Cuộn mạch có vai trò quan trọng trong điều hòa nhiệt độ cơ thể.

Theo TS Dũng, u cuộn mạch phát triển có thể ở dạ dày - tá tràng, khí quản, thần kinh, xương, trung thất, gan, tụy, buồng trứng... nhưng thường xuất hiện ở tay và chân. Đặc trưng bởi các u nhú hoặc nốt màu đỏ - xanh ở đầu ngón, thường ở dưới móng. Bướu gây đau lặp đi lặp lại nhiều lần, đặc biệt khi trời lạnh hoặc đè ép vào. Khi không có kích thích thì không có triệu chứng.

Đây là loại u mà không phải tất cả các bác sĩ đều biết về nó, nhất là không phải chuyên khoa cơ xương khớp nội khoa hoặc chấn thương chỉnh hình. Ở giai đoạn sớm, loại u này thường khó khăn trong chẩn đoán do tổn thương nhỏ và các biểu hiện lâm sàng chưa thật rõ ràng nên thường bị phát hiện muộn.

Theo TS Dũng, có hai phương pháp cận lâm sàng chính có thể được sử dụng để xác định chẩn đoán u cuộn mạch là siêu âm và chụp MRI. Điều trị phẫu thuật là lựa chọn duy nhất khi đã có chẩn đoán xác định u.
Theo Tuổi Trẻ

Tin cùng loại

Bình luận