Các triệu chứng của ung thư đại tràng

Để xem xét ung thư đại tràng, các chuyên gia dựa trên 3 nhóm triệu chứng: triệu chứng cơ năng, triệu chứng thực thể và triệu chứng cận lâm sàng.

Có thể nói ung thư đại tràng đứng hàng thứ hai ngang hàng với ung thư gan nguyên phát. Các nhà khoa học ghi nhận ở những bệnh nhân sau phẫu thuật thấy số người bệnh ung thư đại tràng sống thêm được 5 năm nhiều hơn số bệnh nhân bị ung thư dạ dày, ung thư gan hoặc ung thư thực quản. Dưới đây là những triệu chứng của bệnh ung thư này.
 

1. Triệu chứng cơ năng


Ung thư đại tràng trong thời kỳ đầu có thể gây đau hoặc đau âm ỉ, bệnh nhân có thể chịu đựng được hoặc đau nhiều thành cơn. Cơn đau thường không ăn nhịp với bữa ăn, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào. Có trường hợp không đau nhưng lại có cảm giác nặng bụng. Không phải bao giờ tổn thương ung thư cũng ở dưới điểm đau. Có khi ung thư đại tràng trái nhưng điểm đau lại ở hố chậu phải.
 
ung thư, ung thư đại tràng, triệu chứng ung thư đại tràng
Ung thư đại tràng có thể gây đau bụng (Nguồn: Benhdaitrang)

Triệu chứng rối loạn tiêu hóa như táo bón thường xuất hiện sau cơn đau, thuốc nhuận trường chỉ có tác dụng tạm thời, thuốc tẩy cũng vậy. Có khi đại tiện lỏng, ngày đi 4 - 5 lần, trong phân có lẫn máu và mủ, do đó dễ nhầm lẫn với bệnh kiết lỵ. Thực tế có bệnh nhân bị táo bón, có bệnh nhân bị tiêu chảy, có bệnh nhân có xen kẽ những đợt táo bón và tiêu chảy.

Triệu chứng ung thư đại tràng như chảy máu đường ruột có thể xảy ra nhưng rất ít khi đại tiện ra máu đỏ tươi, thông thường trong phân có cả máu và mủ. Do đó bệnh nhân trên 50 tuổi mặc dù trong tiền sử có bệnh kiết lỵ hay bệnh trĩ nhưng phải chú ý để tìm phát hiện ra bệnh ung thư đại tràng.

 

2. Triệu chứng thực thể


Các triệu chứng cơ năng nêu ở trên chỉ cho hướng để chẩn đoán nên cần phải khám bụng kỹ. Nếu chưa có khối u hình thành thì rất khó chẩn đoán, kể cả khi nắn sâu xuống bụng cũng không phát hiện một hiện tượng bất thường nào. Có trường hợp chỉ thấy triệu chứng trướng bụng nhẹ, đều hoặc manh tràng bị trướng hơi và đau nhẹ. Nếu có khối u đã hình thành thì việc chẩn đoán dễ dàng hơn, nắn khối u bên phải thường dễ phát hiện vì chúng thường to hơn khối u ở bên trái. Lưu ý phải phân biệt khối u ở đại tràng với khối u ở túi mật, gan, dạ dày, thận...
 

3. Triệu chứng cận lâm sàng


Để giúp cho việc chẩn đoán bệnh, cần thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng như: chụp phim X-quang, siêu âm, soi trực tràng - đại tràng, sinh thiết, phát hiện kháng nguyên CEA (carcinoma embryonic antigen) là kháng nguyên phôi ung thư biểu mô...
 
ung thư, ung thư đại tràng, triệu chứng ung thư đại tràng
Cần xét nghiệm cận lâm sàng để chuẩn đoán bệnh (Nguồn: Chuaungthu)

Trong chẩn đoán, hầu hết các bệnh nhân bị ung thư đại tràng đều đến bệnh viện muộn và ở thời kỳ đầu rất khó phát hiện ung thư, dễ chẩn đoán nhầm lẫn với bệnh viêm đại tràng hoặc bệnh kiết lỵ. Vì vậy, khi đối diện với một người cao tuổi, từ trước đến nay vấn đề tiêu hóa vẫn bình thường nhưng trong thời gian gần đây lại có rối loạn tiêu hóa với các đợt đại tiện lỏng hoặc táo bón hay đại tiện lỏng xen kẽ với táo bón; kèm theo đó là thể trạng mệt mỏi, da xanh, sút cân hoặc đôi khi có hội chứng bán tắc ruột thì phải nghĩ đến ung thư đại tràng; đồng thời thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán xác định. Một số bệnh nhân khác đến cơ sở y tế khám vì thấy có khối u nằm trên khung đại tràng hoặc bị tắc ruột cấp tính, triệu chứng lâm sàng có biểu hiện nhiều hay ít, giống nhau hay khác nhau tùy theo vị trí của khối u ung thư

Theo Suckhoedoisong

Tin cùng loại

Bình luận