Chuột rút và cách xử trí

Chuột rút, hay vọp bẻ, là cảm giác đau gây ra bởi sự co rút, thường là co cơ. Nó có thể do lạnh hay hoạt động quá sức. Việc sức khỏe giảm sút hoặc bị ngộ độc cũng có thể gây ra chuột rút.

Những người dễ bị chuột rút
Chứng chuột rút (đồng bào miền Nam gọi là vọp bẻ) thường xảy ra khi chúng ta vận động quá sức. Các đối tượng dễ bị chuột rút là: vận động viên thể thao, người leo núi, leo cầu thang nhiều tầng, phụ nữ mang thai... Lao động, tập luyện, trèo đèo leo dốc với cường độ cao, cơ thể bị mất nước, mất muối... đều dễ bị chuột rút.

 


Nguyên nhân
Nghiên cứu cho thấy tăng hoạt động điện trong các cơ bắp là nguyên nhân dẫn đến chứng chuột rút. Trong một số trường hợp, chuột rút xảy ra cũng có thể liên quan đến việc mất cân bằng chất lỏng và chất khoáng trong cơ thể như can xi, ma giê, natri và kali. Điều này có thể xảy ra sau khi tập thể dục, đổ mồ hôi quá nhiều mà không được bù đủ nước và muối, dùng thuốc lợi tiểu, đang có thai... Đôi khi, một số bệnh liên quan đến thần kinh như Parkinson, các bệnh về bắp thịt, các rối loạn về thần kinh cũng gây ra triệu chứng chuột rút.

Cách xử lý
 - Tránh ngồi lâu, tư thế của chân lúc nghỉ ngơi phải thoải mái.
- Hằng đêm, trước khi lên giường, dành 5 phút thực hiện các bài tập đơn giản để làm căng cơ bắp chuối.
- Một số bằng chứng cho thấy sự thiếu hụt kali có thể gây ra chứng chuột rút về đêm. Nhiều người đã loại bỏ được chuột rút bằng cách bổ sung các loại thực phẩm giàu kali (chuối, mơ, chà là, nho, đậu, bông cải xanh, bắp cải, cam, bưởi, cà chua, thịt heo, khoai tây, cá ngừ...).
- Nếu bị đánh thức do chuột rút, hãy áp dụng một số mẹo nhỏ để giảm đau: chườm nóng hoặc chườm lạnh bắp thịt bị đau; lắc và xoa bóp bắp thịt chỗ bị chuột rút rồi sau đó nâng cao chân lên.

 


- Nhiều nghiên cứu cũng đã tìm ra mối liên hệ giữa hiện tượng chuột rút và việc mất nước. Vì thế, hãy đảm bảo bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể để ngăn ngừa chuột rút vào ban đêm.
- Phụ nữ mang thai, người ăn kiêng, người dùng thuốc lợi tiểu, những người vừa trải qua trận nôn mửa và tiêu chảy cũng có thể gặp chuột rút ở chân, vì lượng can xi và phốt pho của họ đã thoát ra khỏi cơ thể. Nếu bạn rơi vào một trong các trường hợp trên, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được điều trị kịp thời.

Phương pháp phòng bệnh
Bạn hoàn toàn có thể phòng tránh chuột rút bằng những cách đơn giản: uống nước đầy đủ, nên là các loại nước giàu chất khoáng như: nước oresol, nước chanh đường muối, nước  dừa… trước, trong và sau khi luyện tập, lao động, đi bộ, leo núi. Khởi động thật tốt trước khi vận động cơ thể, trước mỗi buổi tập. Tập thư giãn cơ bắp trước và sau mỗi lần tập luyện.

 


Tập vươn duỗi chân vào buổi tối trước khi đi ngủ và buổi sáng khi thức dậy. Khi ngồi, co bàn chân về phía đầu gối càng cao càng tốt, để máu dễ dàng lưu thông ở bắp thịt cẳng chân. Thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng, đủ các chất: đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Hạn chế dùng các chất kích thích như thuốc lá, rượu, bia. Ðiều trị tích cực các bệnh là nguyên nhân gây chuột rút nói trên.

Thanh Diệp
Nguồn: www.suckhoedoisong.vn

Tin cùng loại

Bình luận