Đau do biến chứng thần kinh đái tháo đường

Đau do biến chứng thần kinh đái tháo đường (ĐTĐ) là những cơn đau “cứ đến rồi đi”, có khi chỉ là châm chích, bỏng rát, nhưng có khi đau như dao đâm làm cho người bệnh không chịu đựng nổi.

Theo thống kê, có tới 60-70% người mắc đái tháo đường (ĐTĐ) gặp phải biến chứng thần kinh ngay tại thời điểm được chẩn đoán ĐTĐ type2, và sau 5-10 năm ở người bệnh ĐTĐ type1.
 
 
Hệ vi mạch cung cấp oxy và dưỡng chất cho tế bào thần kinh
 
Điều đáng nói là rất nhiều người bệnh dễ dàng bỏ qua các dấu hiệu cảnh báo ban đầu của biến chứng thần kinh, để đến khi dây thần kinh bị tổn hại nặng nề đến mức xuất hiện các cơn đau triền miên, họ mới ngỡ ngàng nhận ra biến chứng thần kinh ĐTĐ đã tiến triển đến giai đoạn khó hồi phục.
 

Chức năng của hệ thần kinh

Hệ thần kinh là cơ quan duy nhất có khả năng kiểm soát tất cả các hoạt động của cơ thể thông qua sự phối hợp nhịp nhàng giữa hệ thần kinh trung ương và thần kinh ngoại vi. Hệ thần kinh ngoại vi là mạng lưới dây thần kinh chạy khắp cơ thể đảm nhiệm nhiều chức năng khác nhau:

Dây thần kinh cảm giác tập trung chủ yếu trên da, đầu chi có nhiệm vụ dẫn truyền các cảm giác đau, nóng, lạnh…về não.
Dây thần kinh vận động có nhiệm vụ dẫn truyền tín hiệu chỉ đạo từ não đến các cơ, làm cơ vận động để đáp ứng với các cảm giác trên.
Ngoài ra, dây thần kinh thực vật thực hiện các hoạt động tự động như co giãn mạch máu, điều hòa huyết áp, nhịp tim, nhịp thở, tiết mồ hôi, nước bọt,…
 

Vì sao biến chứng thần kinh là yếu điểm ở người bệnh ĐTĐ?

Cơ chế gây tổn thương thần kinh do ĐTĐ rất phức tạp nhưng bản chất là do tích lũy đường sorbitol trong hệ thống dây thần kinh, kết hợp với quá trình stress oxy hóa làm tổn thương các tế bào thần kinh. Cùng với đó là tổn thương vi mạch làm giảm cung cấp oxy và dưỡng chất nuôi dưỡng các sợi thần kinh. Hậu quả của quá trình này không chỉ đẩy nhanh tốc độ thoái hóa mà còn gây tổn thương sợi trục thần kinh. Từ đó làm rối loạn dẫn truyền và gây ra các cơn đau đớn dai dẳng.
 

Đau do biến chứng thần kinh ĐTĐ khó chữa trị

Đau trong bệnh thần kinh ĐTĐ thường bắt đầu từ các ngón tay, ngón chân rồi di chuyển lên cánh tay, cẳng chân, đau tăng nặng về đêm và gây rối loạn giấc ngủ. Do ở giai đoạn đầu của biến chứng, dây thần kinh chỉ bị tổn thương vỏ bọc (bao myelin) nên mức độ đau chỉ dừng lại ở mức tê bì, cảm giác kiến bò ở hai bàn, ngón tay, chân… khiến người bệnh dễ dàng bỏ qua. Nếu không được phát hiện và điều trị ở giai đoạn sớm, tổn thương sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến sợi trục với các cơn đau ngày càng trầm trọng: đau như kim đâm, nóng rát, dị cảm ở hai chân và dần mất cảm giác.
 

Tế bào thần kinh khỏe mạnh và tế bào thần kinh bị tổn thương
 
Ở giai đoạn này, người bệnh không phát hiện được tổn thương bàn chân cho tới khi bị nhiễm trùng nặng, khó chữa trị và phải đối mặt với nguy cơ hoại tử, cắt cụt chi.

Không dừng lại ở tổn thương thần kinh cảm giác và vận động, hệ thần kinh tự chủ cũng bị tổn thương, tuy không gây đau nhưng chúng làm rối loạn chức năng điều chỉnh hoạt động của các cơ quan nội tạng và tuyến tiết. Tùy theo vị trí sợi thần kinh tổn thương mà người bệnh có thể xuất hiện các triệu chứng như nhịp tim nhanh khi nghỉ, hạ huyết áp tư thế, hạ đường huyết không có dấu hiệu cảnh báo, rối loạn tiết mồ hôi làm da khô, tróc vảy, dày sừng; rối loạn chức năng sinh dục, khó kiểm soát tiểu tiện, đầy bụng, táo bón…
 

Điều trị đau do biến chứng thần kinh ĐTĐ

Đau do biến chứng thần kinh ĐTĐ là đau do tổn thương sợi trục của tế bào thần kinh. Vì vậy, các yếu tố tác động lên quá trình chuyển hóa năng lượng của tế bào thần kinh rất cần thiết để giúp hồi phục, giảm thiểu mức độ tổn thương, từ đó cải thiện các cơn đau. Ngoài việc sử dụng các thuốc cắt cơn đau tạm thời theo chỉ định của bác sĩ như thuốc giảm đau, an thần, chống trầm cảm,… từ những thập niên 80, các nước Châu Âu và Mỹ đã sử dụng Acid alpha lipoic để giảm đau trong biến chứng thần kinh ĐTĐ. Loại Acid alpha lipoic này có các ưu thế: khả năng thấm tốt vào mô thần kinh để phục hồi hoạt động của tế bào thần kinh, tăng tính dẫn truyền và bảo vệ tế bào thần kinh; tăng nhập glucose vào tế bào, hạn chế sản sinh glucose từ gan, nên giúp giảm lượng đường trong máu, đồng thời giảm sinh ceton… Nhờ đó có thể làm giảm cơn đau và cải thiện biến chứng hiệu quả. Nhiều nghiên cứu cho thấy, sử dụng Acid alpha lipoic liều cao còn có tác dụng phục hồi tốt cảm giác hai chi dưới và có cải thiện biến chứng thần kinh tự chủ do ĐTĐ.

Ngoài ra, các biện pháp vật lý trị liệu cũng khá hiệu quả trong giảm đau do biến chứng thần kinh ở người bệnh tiểu đường.
Theo Dân Trí

Tin cùng loại

Bình luận