Trị táo bón hiệu quả với khoai lang

Khoai lang là một món ăn dân dã, quen thuộc và cũng là vị thuốc quý chữa được nhiều bệnh mà mọi người công nhận từ lâu.

Khoai lang còn gọi với những cái tên khác như cam thử, phiên chử. Theo Đông y, củ khoai lang tính bình, vị ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm.
Rau lang tính bình, vị ngọt, không độc, bổ hư tổn, ích khí lực, kiện tỳ vị, bổ thận âm, dùng chữa tỳ hư, kém ăn.

 

 
Khoai lang có 3 nhóm giống chính:
- Nhóm giống củ thịt mềm, nhiều nước, nấu chín có vị ngọt, mùi thơm, dùng luộc ăn tươi, nấu chè, làm mứt. Các giống nổi tiếng thuộc nhóm này: khoai Lim ở Bắc Ninh; khoai Nghệ ở Ninh Bình; khoai Vồ, Điệp ở Quảng Nam; khoai Dương Ngọc, Ngọc Nữ, Trắng giấy, Tám nghen ở Nam Bộ; khoai Mật, khoai Bí ở Đà Lạt. Các giống thịt vàng có nhiều vitamin A.
- Nhóm giống củ thịt chắc có nhiều bột, thích hợp với thái lát, phơi khô, làm bột. Các giống nổi tiếng thuộc nhóm này: Khoai Phụng, khoai Trà Beng ở Nam Bộ; các giống Tai Nung gốc Đài Loan.
- Nhóm giống củ thịt xơ, ăn không ngon, năng suất cao nhưng chất lượng dinh dưỡng kém, trồng làm thức ăn chăn nuôi. Các giống chính thuộc nhóm này là Hồng Quảng, Okinawa 100, Hsinchu.
Trong củ khoai lang tươi có: 68% nước, 0,8% protit, 28,5% gluxit, 34mg% canxi, 50mg% phốtpho, 23mg% vitamin C. Ở nước ta, khoai lang là cây lương thực quan trọng. Trước đây khoai lang là lương thực chính ở vùng đất cát, nhân dân ta thường luộc khoai ăn tươi hoặc phơi khô, làm bột, làm bánh mứt, nấu chè… Khoai lang khô nấu với đậu là món ăn ngon và bổ dưỡng. Lá và ngọn rau khoai lang dùng để xào, luộc, nấu canh rất ngon. Vào các tháng “giáp hạt rau”, rau khoai lang có tác dụng rất tốt.

Một số bài thuốc chữa bệnh bằng Khoai lang
 
Chữa táo bón
Bài 1: Củ Khoai lang sống rửa sạch, gọt vỏ, giã nhỏ, cho nước đun sôi, quấy đều, uống 1 bát vào sáng sớm, sau nửa giờ chưa đi ngoài lại uống thêm, uống vài ba ngày sẽ hết táo.
Bài 2: Khoai lang củ 150g, gọt vỏ sạch; Vừng đen 20g; Đường 30g. Nấu chè ăn, ngày 2 lần.
Bài 3: Lá Khoai lang tươi 60g; lá Mồng tơi 60g; rau Má 60g. Nấu nước uống hoặc nấu canh.
 
Chữa kiết lỵ đi ngoài không có nhầy máu: Củ khoai lang nướng chín, bóc vỏ, chấm mật ong, ăn ngày 3 lần.
 
Chữa mụn nhọt: Củ khoai lang 40g; lá Bồ công anh 40g; Đường 20g. Giã nhuyễn, bọc vải đắp vào chỗ đau, ngày 2 – 3 lần, làm liên tục 2 – 3 ngày.
 
Hút mủ mụn nhọt: Lá khoai non 50g, Đậu xanh 12g, thêm chút muối, giã nhuyễn, đắp lên mụn đã vỡ.
 
Cảm cúm: Khoai lang khô (khoai sát) 1 nắm; Nghệ 1 củ; Giấm nửa bát, thêm muối sắc uống nóng.
 
Hen suyễn, khó thở, khò khè: Củ Khoai lang hà 3 phần, Bồ kết bỏ hạt 2 phần, sấy khô tán mịn, dùng nước hồ loãng vo thành viên 1g. Người lớn mỗi lần uống 2 viên, ngày 2 – 3 lần. Liều dùng 100 viên. Trẻ dưới 13 tuổi ngày uống 1 viên, chia làm 2 lần, sau bữa ăn .
 
Chữa bỏng: Lá khoai non rửa sạch, nghiền nát, vắt lấy nước phết lên vết bỏng.
 
Ngộ độc sắn gây nhức đầu, chóng mặt, buồn nôn: Củ khoai lang tươi 100g, gọt vỏ, giã nát, thêm ít nước, vắt nước cốt cho uống. Cách nửa giờ đến 1 giờ cho uống 1 lần.
 
Chữa băng huyết: Lá khoai lang 1 nắm, rửa sạch, giã nát, vắt lấy nước cốt uống.

 


Một số điểm lưu ý khi dùng khoai lang:
- Để có tác dụng bổ dưỡng, nên ăn khoai vỏ đỏ ruột vàng. Để chữa táo bón, phải dùng khoai vỏ trắng ruột trắng.
- Đối với bệnh nhân bị sỏi thận, không ăn thường xuyên rau lang vì nó chứa nhiều canxi.
- Nên ăn kèm đạm động vật, thực vật để cân bằng thành phần dưỡng chất.
- Trong khoai lang có chất đường, nếu ăn nhiều, nhất là khi đói sẽ gây tăng tiết dịch vị làm nóng ruột, ợ chua, sinh hơi trướng bụng. Để tránh tình trạng này, khoai phải được nấu, luộc, nướng thật chín hoặc cho thêm ít rượu vào nấu để phá hủy chất men. Nếu bị đầy bụng, có thể uống nước gừng để chữa.
- Vỏ khoai lang chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Do đó phải bảo vệ phần vỏ không bị sây sát, không gọt vỏ nếu không cần thiết. Vỏ còn giúp bảo vệ dưỡng chất bên trong, vì vậy khi luộc khoai nên để cả vỏ (đã rửa sạch).
- Bảo quản khoai ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát, không có chuột bọ và chỉ nên dùng trong vòng một tuần.
- Phải bỏ hết khoai hà (sùng), khoai đã có mầm và vỏ xanh chứa chất độc.
- Khi luộc rau lang để ăn và chữa bệnh, nên lấy nước thứ hai vì nước thứ nhất thường chát và hăng.

Thanh Diệp
Nguồn: www.phununet.com

Tin cùng loại

Bình luận