Cái chết bất ngờ đến từ sốc phản vệ
Sốc phản vệ là tai biến dị ứng đặc biệt nghiêm trọng và dễ gây tử vong không chỉ gặp ở trẻ nhỏ mà cả người lớn nếu không được chẩn đoán và xử lý kịp thời.
Sốc phản vệ là tai biến gây hoang mang cho không chỉ người nhà bệnh nhân mà còn cho cả các y bác sĩ điều trị bởi không ai lường trước được khi nào sẽ xảy ra. Những trường hợp sốc phản vệ tại Việt Nam mà chúng ta không hề xa lạ gì chính là các trường hợp sau khi tiêm vắc xin. Sốc phản vệ xuất hiện rất nhanh, ngay lập tức hoặc sau 30 phút dùng thuốc, thử test, bị ong đốt hoặc sau khi ăn một loại thức ăn lạ. Nếu triệu chứng sốc phản vệ xuất hiện càng sớm thì bệnh càng nặng, tỉ lệ tử vong càng cao. Vì vậy, cần hiểu rõ về nguyên nhân, biểu hiện, cách xử lý và phòng ngừa để cấp cứu thật nhanh, kịp thời, chính xác cho người bệnh.
Không ít trường hợp sốc phản vệ sau khi được tiêm vắc xin hay truyền thuốc (Nguồn: SF Bay Pediatrics)
Sốc phản vệ do đâu?
Sốc phản vệ là hiện tượng xảy ra khi hệ miễn dịch của một người nhạy cảm quá mức với một chất gây dị ứng mà họ được tiếp xúc. Khi đó, cơ thể sẽ kích thích sản xuất một chất có tên là histamine và sau vài phút người bệnh sẽ có biểu hiện sốc. Những chất dị ứng này có thể tác động qua đường tiêu hóa (ăn thức ăn), đường hô hấp (ngửi phải chất gây dị ứng), đường máu (tiêm thuốc, vắc xin). Trong đó, đường tiêu hóa gây tác động nhẹ hơn các con đường trên, nhưng hậu quả để lại đều nguy hiểm như nhau.
Triệu chứng sốc phản vệ
Sốc phản vệ được chia ra 3 mức độ diễn biến là nhẹ, trung bình và nặng.
Diễn biến nhẹ: với những triệu chứng đau đầu, sợ hãi, chóng mặt, có thể có nổi mẩn ngứa, mề đay, phù Quincke, nôn hoặc buồn nôn, đau bụng, đi ngoài không tự chủ, nhịp tim nhanh, huyết áp tụt, khó thở.
Diễn biến trung bình: bệnh nhân hoảng sợ, choáng váng, ngứa ran khắp người, khó thở, co giật, đôi khi hôn mê, đau bụng, da tím tái, niêm mạc nhợt, đồng tử giãn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp tụt hoặc không đo được.
Diễn biến nặng: xảy ra ngay trong những giây phút đầu tiên với tốc độ chớp nhoáng. Người bệnh hôn mê, nghẹt thở, da tím tái, mạch huyết áp không đo được, tử vong sau vài phút, nhiều lắm là kéo dài vài giờ.
Chú ý những diễn biến muộn xảy ra sau sốc phản vệ như viêm thận, viêm cơ tim dị ứng, viêm cầu thận. Những biến chứng này có thể dẫn đến tử vong. Có trường hợp sốc phản vệ đã được xử lý nhưng 1-2 tuần sau đó xuất hiện hen phế quản, mề đay, phù Quincke tái phát nhiều lần.
Sốc phản vệ được chia ra ba mức độ diễn biến (Nguồn: CDC)
Sơ cứu sốc phản vệ
Đối với một số trường hợp, nhất là trường hợp nặng, việc sơ cứu bước đầu rất quan trọng vì người bệnh sau khi tiếp xúc với chất gây dị ứng có thể tử vong ngay sau vài phút. Do đó, việc đầu tiên phải đưa ngay người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi ngay đến cấp cứu sớm nhất có thể. Kế đến đặt người bệnh nằm ở tư thế chân cao hơn đầu, nới lỏng quần áo và đắp chăn cho người bệnh. Nếu người bị sốc phản vệ nôn hay chảy máu ở miệng, hãy lật người bệnh nằm nghiêng để phòng sặc. Đồng thời, cố gắng nói chuyện liên tục với bệnh nhân để bệnh nhân giữ được nhịp thở, tránh rơi vào trạng thái hôn mê. Nếu người bệnh ngưng thở thì ngay lập tức bắt đầu hồi sức tim phổi bằng cách ép hơi lồng ngực và hơi thổi ngạt cho bệnh nhân. Bên cạnh đó, cần tìm hiểu nguyên nhân sốc phản vệ do đâu, thức ăn, nước uống, không khí hay thuốc, ghi nhớ để báo cho bác sĩ và đề phòng những chất gây dị ứng đó ở lần tiếp xúc sau.
Theo Infonet và Cafebiz
Tin cùng loại
- Những hiểu biết về bệnh Alzheimer
- Dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang tích tụ nhiều độc tố
- Trị chảy máu cam đơn giản tại nhà
- Hiểu về bệnh viêm xoang
- Ngáy và những điều bạn cần biết
- Bệnh thường gặp trong mùa nắng nóng
- Người bị cường tuyến giáp không nên ăn gì
- Cách chống say xe hiệu quả
- Những tác hại của thói quen trùm kín chăn qua đầu khi ngủ
- Những dấu hiệu của người mắc hội chứng sợ xã hội