Xử lý vết cắn của côn trùng

Tùy loài côn trùng, liều lượng nọc độc và cơ địa của mỗi người mà biểu hiện tổn thương khác nhau, mức độ nguy hiểm cũng khác nhau.


Khi bị côn trùng có nọc độc cắn, đốt ngoài, tổn thương có thể xuất hiện ngay tại vết cắn, ngoài da, nghiêm trọng hơn nạn nhân còn có dấu hiệu bị ngộ độc toàn thân do nọc độc xâm nhập lan tỏa trong cơ thể. Tại vết cắn, chích, đốt nạn nhân thường đau, có thể sưng tấy đỏ, cần chú ý tìm ngòi côn trùng còn cắm vào da.
 
vet con trung can

Đối với trường hợp phản ứng chỉ khu trú tại chỗ thường không đòi hỏi điều trị, vùng sưng nề sẽ tự biến mất sau vài giờ mà không để lại di chứng. Trong trường hợp có phản ứng lan tỏa tại chỗ, vùng bị côn trùng đốt nên được chườm lạnh. Có thể sử dụng thuốc kháng histamine (loratadin, cetirizin...) và corticosteroid (prednisolon, methylprednisolon...) đường uống hoặc tiêm truyền, nên được dùng sớm ngay khi có thể để giảm nhanh triệu chứng, việc sử dụng kháng sinh là không cần thiết. Riêng trường hợp bị kiến lửa đốt, sau 1 ngày vết đốt thường tạo thành một mụn mủ nhỏ do hoại tử tổ chức, cần lưu ý không làm vỡ mụn mủ này để tránh nguy cơ nhiễm trùng.
 
kien dot

Những phản ứng dị ứng mang tính toàn thể bắt buộc phải được điều trị tại cơ sở y tế càng sớm càng tốt.

Những biểu hiện nhẹ nhất như nổi mày đay, ban đỏ cũng cần được xử trí sớm bằng adrenalin để ngăn ngừa những diễn biến xấu sau đó. Đối với trường hợp ngòi của côn trùng còn nằm trong da, cần nhẹ nhàng lấy ra và tránh làm vỡ túi chứa nọc, điều này tốt nhất nên được tiến hành ngay sau khi bị đốt. Riêng đối với ong đốt cần tháo nhẫn, vòng đeo tay ở tay bị đốt (để tránh chèn ép mạch khi có phù nề).  Cho người bệnh nằm nghỉ nơi mát, uống nhiều nước. Nếu trên 10 vết đốt hoặc vết đốt ở vùng đầu (không bóp nặn vết đốt), hoặc có biểu hiện đỏ da, mề đay, ngứa lan rộng toàn thân, theo dõi phát hiện các dấu hiệu dị ứng, nhiễm độc hoặc bị đốt ít nhưng nạn nhân đau nhức, buồn nôn/nôn mửa, hốt hoảng, bồn chồn, kích thích vật vã, tức ngực, khó thở... cần chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất.

 
vet ong dot

Những người có tiền sử dị ứng hoặc đã từng bị dị ứng với nọc côn trùng cần hết sức thận trọng để tránh bị côn trùng đốt. Khi đi ra ngoài hoặc làm những công việc có nguy cơ tiếp xúc với côn trùng, tốt nhất nên đi giày, mặc áo dài tay, quần áo nên tối màu, tránh dùng các mỹ phẩm có mùi thơm. Khi ngủ, kể cả ban ngày, cần mắc màn, cho trẻ nằm trong nôi, cũi có phông màn che chống ruồi, muỗi và các loại côn trùng khác. Những người thường làm việc vào buổi tối dưới ánh đèn cần đóng cửa sổ hoặc lưới ngăn côn trùng bay vào, nhất là vào mùa nồm. Chú ý phát hiện những côn trùng ở trong nước tắm, khăn mặt, quần áo trước khi dùng.
 
con trung bam vao khan mat

Có thể dùng các thuốc bôi chống muỗi thoa lên người để chống muỗi và các côn trùng khác. Cẩn thận tránh không để thuốc dính vào mắt. Cần chú ý dọn nhà cửa nơi ở sạch sẽ, thông thoáng.
 
Theo BS. Nguyễn Văn Khánh (Sức khỏe & Đời sống)

Tin cùng loại

Bình luận