Sự thật về bệnh trầm cảm

Mọi người thường hay hiểu sai rằng chỉ những người lao động trí óc mới bị bệnh trầm cảm, rằng người trầm cảm hay khóc và người trầm cảm cần phải điều trị bằng thuốc cả đời...

Dưới đây là những hiểu lầm phổ biến về bệnh trầm cảm và những lý giải khoa học, thực tế về tình trạng này. 
 

Tưởng tượng: Lao động vất vả đánh bay trầm cảm

Cứ 6 người thì có một người từng bị trầm cảm tại thời điểm nào đó trong đời, vì vậy, có nhiều lời thêu dệt về cách chữa và chứng bệnh phổ biến này. Một trong số những điều này là: Hãy lao vào công việc và bạn sẽ cảm thấy khá hơn. Với các trường hợp buồn phiền vừa phải, cách này thực sự hữu ích nhưng trầm cảm là một loại khác. Làm việc quá sức thậm chí có thể là một dấu hiệu bệnh trầm cảm, đặc biệt là ở nam giới.
 

Tưởng tượng: Trầm cảm không phải là một bệnh thực sự

Trầm cảm là một bệnh y khoa và nguyên nhân hàng đầu gây mất khả năng làm việc ở người trưởng thành Mỹ. Nó dễ nhầm lẫn với sự buồn phiền thông thường. Các bằng chứng sinh học về bệnh này có thể được nhìn thấy qua quét não - phương pháp thể hiện các mức độ hoạt động bất thường. Các hóa chất quan trọng trong não cũng thể hiện sự mất cân bằng ở những người trầm cảm. 
 

Sự thật về bệnh trầm cảm
 

Sự thật: Đàn ông trầm cảm khó phát hiện hơn

Khi một người đàn ông bị trầm cảm, những người thân yêu của anh ta và ngay cả bác sĩ khám cho anh ta có thể cũng không nhận ra bệnh. Đó là vì nam giới ít có khả năng nói về những cảm giác của họ hơn so với phụ nữ - và một số đấng mày râu trầm cảm không biểu lộ sự buồn rầu, chán nản. Thay vào đó, nam giới có thể tỏ ra dễ bực bội, giận dữ hay bồn chồn. Họ thậm chí có thể bỗng nhiên gây bạo lực với những người khác. Một số đấng mày râu cố gắng chống chọi với trầm cảm thông qua các hành vi liều lĩnh, uống rượu hay nghiện ngập.
 

Tưởng tượng: Trầm cảm chỉ là tự thương thân

Theo văn hóa, chúng ta thường ngưỡng mộ sức mạnh và tinh thần cứng rắn và nhanh chóng dán nhãn cho những ai lùi bước là ủy mị, hèn nhát. Nhưng những người bị bệnh trầm cảm không lười biếng hay đơn giản là cảm thấy xót thương cho chính mình. Họ cũng không thể "tỏ ý chí" để đuổi bệnh trầm cảm đi. Trầm cảm là một bệnh y khoa - một vấn đề sức khỏe liên quan tới những thay đổi trong não. Giống như các bệnh khác, nó thường được cải thiện bằng biện pháp điều trị thích hợp. 
 

Thực tế: Bất cứ ai cũng có thể bị trầm cảm

Nhà thơ hay hậu vệ của đội bóng, kẻ nhút nhát hay người bạo dạn, bất cứ ai từ bất cứ dân tộc nào cũng có thể mắc trầm cảm. Bệnh này phổ biến thứ hai ở phụ nữ cũng như nam giới nhưng phụ nữ mắc trầm cảm thường dễ phát hiện và dễ tìm kiếm sự trợ giúp hơn. Nó thường được chú ý ở những người ở độ tuổi 18-20 hay 20-30 nhưng khởi phát có thể ở bất cứ tuổi nào. Những cú sốc trong cuộc đời có thể gây ra trầm cảm nhưng cũng có khi chỉ khiến người ta buồn phiền, chán nản nhất thời.
 

Thực tế: Bệnh trầm cảm len lỏi từ từ

Bịnh trầm cảm xảy ra rất chậm cho nên đôi lúc bệnh nhân không nhìn ra được những dấu hiệu của nó vì những triệu chứng trầm cảm tăng từ từ. Một ngày xấu nào đó - như mọi ngày khác, bạn bắt đầu bỏ việc, bỏ học hay trốn khỏi các hoạt động xã hội. Một hình thức trầm cảm nhẹ, gọi là dysthymia, có thể kéo dài nhiều năm như một bệnh mãn tính - chỉ như tình trạng phiền muộn có thể lặng lẽ phá hoại dần công việc và các mối quan hệ của  bạn. Trầm cảm cũng có thể trở thành một bệnh trầm trọng, làm người ta mất khả năng làm việc. Nếu được điều trị, nhiều người cảm thấy đỡ hẳn trong 4-6 tuần.
 

Tưởng tượng: Chữa trầm cảm là phải dùng thuốc cả đời

Thuốc chỉ là một trong những cách được sử dụng để điều trị trầm cảm. Kêu gọi sự giúp đỡ không có nghĩa là bạn sẽ phải chịu áp lực phải lấy thuốc kê đơn và uống liên tục. Thực tế, các nghiên cứu cho rằng "liệu pháp trò chuyện" hiệu quả tốt như thuốc cho những trường hợp trầm cảm nhẹ đến trung bình. Ngay cả khi bạn sử dụng các thuốc chống trầm cảm, chắc chắn không phải là kéo dài cả đời. Bác sĩ sẽ giúp bạn quyết định thời gian nào có thể dừng thuốc.
 

Tưởng tượng: Những người trầm cảm thì hay khóc

Không phải luôn như vậy. Một số người không khóc hoặc thậm chí tỏ ra buồn thảm khi họ bị trầm cảm. Thay vì vậy, họ có cảm xúc "trống rỗng" và có thể cảm thấy vô giá trị hay vô dụng. Ngay cả không có các triệu chứng xúc động mạnh, không điều trị trầm cảm có thể khiến người bệnh không có được cuộc sống hạnh phúc trọn vẹn, thậm chí phá hủy gia đình họ.
 

Sự thật về người bị bệnh trầm cảm
 

Thực tế: Tiền sử gia đình không phải là số mệnh

Nếu có ai đó trong phả hệ gia đình bạn từng bị trầm cảm, bạn cũng có thể mắc bệnh này. Nhưng khả năng bạn không mắc cũng khá cao. Những người có tiền sử gia đình mắc trầm cảm cần chú ý tới các dấu hiệu sớm của bệnh này và có hành động tích cực ngay - cho dù là học cách giảm stress, chăm tập thể dục, tư vấn tâm lý hay áp dụng cách điều trị chuyên sâu khác.
 

Tưởng tượng: Trầm cảm là một phần của lão hóa

Hầu hết mọi người đương đầu với thử thách của tuổi tác mà không trở nên trầm cảm. Nhưng khi điều này xảy ra, nó có thể bị bỏ qua. Người già có thể giấu nỗi buồn của họ hay có các triệu chứng mơ hồ, khác biệt: chán ăn, tình trạng đau, nhức nặng hơn, thói quen ngủ thay đổi. Các vấn đề về sức khỏe có thể gây ra trầm cảm ở người già - và trầm cảm có thể phục hồi chậm hơn từ những người từng bị nhồi máu cơ tim hay trải qua phẫu thuật.
 

Thực tế: Trầm cảm mô phỏng chứng mất trí

Ở người già, trầm cảm có thể là căn nguyên gốc rễ của vấn đề về trí nhớ, sự lẫn lộn và trong một số trường hợp là ảo giác. Người chăm sóc và các bác sĩ có thể nhầm lẫn các vấn đề này là triệu chứng của mất trí nhớ hay sự suy giảm trí nhớ liên quan tới tuổi già. Phần lớn các trường hợp người già trầm cảm có thể điều trị bằng thuốc. Liệu pháp tâm lý cũng hữu ích, đặc biệt cho những người không thể hay không muốn dùng thuốc.
 

Tưởng tượng: Trò chuyện sẽ làm bệnh nặng thêm

Nhiều người trầm cảm từng được khuyên không "day đi day lại" bệnh của mình bằng cách trò chuyện về nó. Thực tế ngày nay có bằng chứng cho thấy việc trao đổi theo hướng dẫn với nhà chuyên môn có thể giúp mọi việc tốt hơn nhiều. Những hình thức trị liệu tâm lý khác nhau có thể giúp điều trị trầm cảm bằng cách giải quyết những kiểu suy nghĩ tiêu cực, cảm giác vô thức hay các trục trặc trong quan hệ. Bước đầu tiên bạn nên làm khi nghi ngờ mình hay người thân trầm cảm là trò chuyện với một chuyên gia về sức khỏe tâm thần.
 

Thực tế: Suy nghĩ tích cực rất hữu ích

Những lời khuyên cũ "tập trung vào mặt tích cực" thực sự hữu ích trong thực hành để xóa bỏ trầm cảm. Nó được gọi là liệu pháp nhận thức hành vi - giúp người bệnh học những cách suy nghĩ và hành vi mới. Từ đó, hành vi, "độc thoại" tiêu cực được nhận ra và thay thế với những ý nghĩ lạc quan và tâm trạng tích cực hơn. Dùng độc lập hay kết  hợp với thuốc, liệu pháp nhận thức hành vi đều hiệu quả với nhiều người.
 

Tưởng tượng: Thiếu niên có biểu hiện chán nản, không hạnh phúc là tự nhiên

Mặc dầu nhiều thanh thiếu niên có tính khí thất thường, hay cãi lại và tò mò về "những mặt trái" thì sự buồn phiền hay cáu kỉnh không phải là bình thường với teen. Khi cảm giác bất hạnh kéo dài hơn hai tuần, đó có thể là dấu hiệu của trầm cảm - tình trạng mà cứ 11 thanh thiếu niên thì có một em mắc phải. Các dấu hiệu khác cho thấy teen cần sự trợ giúp bao gồm: triền miên buồn chán hay cáu kỉnh ngay cả với bạn bè, nói không thích thú với những hoạt động họ vốn yêu thích hay đột nhiên học hành sa sút. 
 

Thực tế: Tập thể dục là phương thuốc tốt

Các nghiên cứu cho thấy tập thể dục thường xuyên, cường độ vừa phải có thể cải thiện các triệu chứng trầm cảm và hiệu quả tốt chẳng khác gì một số loại thuốc dành cho những người trầm cảm nhẹ và vừa. Tập luyện cùng một nhóm người hay tập với bạn bè sẽ càng làm tăng hiệu quả.
 

Sự thật về người bị bệnh trầm cảm
 

Tưởng tượng: Trầm cảm khó chữa

Thực tế là hầu hết những người tích cực điều trị trầm cảm đều cải thiện tình trạng. Một nghiên cứu lớn do Viện sức khỏe tâm thần quốc gia Mỹ thực hiện, cho thấy, 70% bệnh nhân trầm cảm hết triệu chứng nhờ thuốc - mặc dù có thể không phải ngay với loại thuốc đầu tiên họ dùng. Nghiên cứu cho thấy cách điều trị tốt nhất là kết hợp giữa thuốc và liệu pháp trò chuyện.
 

Thực tế: Không phải cứ buồn phiền chán nản là trầm cảm

Một số sự kiện trong đời có thể gây đau buồn hay thất vọng nhưng không trở thành bệnh trầm cảm. Đau buồn là cảm xúc thông thường sau cái chết, việc ly dị, mất công việc hay bị chẩn đoán mắc bệnh nan y. Đầu mối cần thiết để xác định bệnh và việc điều trị: Nỗi buồn kéo dài liên tục, từ ngày này sang ngày khác không chấm dứt. Khi tâm trạng buồn phiền của một người chỉ do các yếu tố bên ngoài như thời tiết, sự cố..., họ thường sẽ dễ quên và vui lên sau một thời gian ngắn.
 

Thực tế: Hy vọng về ngày mai tươi sáng hơn là có thật

Trong cơn trầm cảm, người ta nghĩ chẳng có hy vọng nào về cuộc sống tốt đẹp hơn. Sự tuyệt vọng này là một phần của bệnh, không phải là thực tế. Nhờ điều trị, suy nghĩ tích cực dần dần thay thế các suy nghĩ tiêu cực. Chất lượng giấc ngủ và cảm giác thèm ăn sẽ được cải thiện khi trầm cảm lui dần. Và những người từng tìm tới chuyên gia tư vấn cho liệu pháp trò chuyện, được trang bị các kỹ năng đương đầu với stress sẽ nhanh thoát khỏi trầm cảm hơn. 

Theo Webmd.com

Tin cùng loại

Bình luận