Những dấu hiệu nhận biết rối loạn tiêu hóa
Rối loạn tiêu hóa là một hội chứng gây ra bởi sự co thắt không đều của các cơ vòng trong hệ thống tiêu hóa đưa đến đau bụng và thay đổi vấn đề đại tiện. Điều đặc biệt là triệu chứng rối loạn tiêu hóa lại đi cùng với các triệu chứng của nhiều bệnh hiểm nghèo, đáng kể nhất là ung thư đường ruột, các bệnh đau bao tử, ợ chua, bệnh nhiễm khuẩn, viêm đại tràng …. Vậy có cách nào để nhận biết đâu mới là triệu chứng thực sự của rối loạn tiêu hóa không?
Rối loạn tiêu hóa với những biểu hiện thay đổi như:
Đau bụng
Những cơn đau bụng thay đổi tùy theo mỗi trường hợp và phổ biến như đau sơ sơ, nhè nhẹ, lâm râm, quặn từng cơn, nặng bụng, sình bụng, xon xót, ran rát, đau như “dao cắt”. Đau có thể liên tục, nhè nhẹ suốt ngày, co thắt, nhức nhối từng cơn.
Bệnh nhân thường đau bụng dưới bên tay trái, nhưng họ cũng có thể bị đau ở nhiều chỗ khác nhau. Đau cùng một lúc, hoặc mỗi ngày đau một chỗ khác nhau. Họ cũng có thể bị đau toàn bụng chứ không nhất thiết đau ở vị trí nào nhất định. Trong một vài trường hợp hiếm hoi, cơn đau có thể lan ra sau vùng lưng.
Đầy hơi
Sình bụng là một trong những triệu chứng tiêu biểu của rối loạn tiêu hóa. Bụng “căng to như cái trống”. Bệnh nhân ợ hơi liên tục hoặc “đánh rắm” liên miên. Bụng thường rất thon nhỏ vào buổi sáng khi mới thức dậy, rồi to dần khi ngày từ từ trôi qua. Bụng “phì lớn” nhanh như người có bầu. Ngoài ra, một số bệnh nhân có những triệu chứng của bệnh đau dạ dày, với những cơn ợ chua, đắng hoặc hôi miệng, buồn nôn, nôn mửa, v.v…
Tâm lý đóng một vai trò quan trọng khi nói về hội chứng rối loạn tiêu hóa. Vì thế buồn phiền, chán nản, u sầu sẽ làm những triệu chứng kể trên trở nên thường xuyên và trầm trọng hơn kể cả phụ nữ trong những ngày thấy kinh nguyệt cũng có thể gặp rối loạn tiêu hóa.
Xác định bệnh bằng cách nào?
Vì rối loạn tiêu hóa mang cùng triệu chứng với nhiều bệnh hiểm nghèo hơn, đáng kể nhất là ung thư (nhất là ung thư đường ruột), hoặc các bệnh khác như bệnh đau bao tử, bệnh ợ chua, bệnh nhiễm khuẩn, viêm đại tràng, bệnh liên quan đến tuyến giáp trạng, sán lãi, viêm tụy tạng mạn tính, bệnh không dung nạp sữa (lactose intolerance)… nên bệnh nhân cần đi khám và làm các xét nghiệm để chẩn đoán xác định. Tùy theo tình trạng bệnh lý và tuổi tác, bác sĩ sẽ có những chỉ định xét nghiệm khác nhau.
Sau đây là những điều bạn nên biết: Nếu tự nhiên bị biếng ăn, mất ngủ, sút cân, nóng sốt, đại tiện ra máu, mất quá nhiều nước, hoặc cơ thể trở nên khác thường một cách kỳ lạ vô nguyên cớ, nhất là ở những người trên 50 tuổi, có lẽ đây không phải là những triệu chứng của hội chứng rối loạn tiêu hóa. Những bệnh nhân này nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
Cách chữa trị hiệu quả?
Thay đổi cách thức ăn uống: Thức ăn, nước uống không gây ra rối loạn tiêu hóa nếu bảo đảm vệ sinh, tuy nhiên cũng có loại thức ăn đồ uống có thể làm “bệnh” trở nên trầm trọng hơn.
- Các thức ăn sau đây có thể gây ra sình bụng: Hành tây, tỏi, đậu, cần tây, bắp cải, mận, chuối, nho khô, rau húng quế v.v… Đừng uống quá nhiều cà phê cũng như uống sữa. Tránh các thức ăn, nước uống chứa quá nhiều sorbitol (đây là đường dùng trong các loại nước ngọt ăn kiêng), kẹo cao su hoặc quá nhiều đường fructose (như trong mật ong và một số trái cây).
- Bệnh nhân nên ăn nhiều rau, uống nhiều nước nhất là đối với bệnh nhân có khuynh hướng táo bón.
- Tập thể dục đều đặn có thể giúp cho cơ thể nói chung và hệ thống tiêu hóa nói riêng được hoạt động một cách đắc lực hơn.
Dùng thuốc khi nào?
Các loại thuốc tiêu biểu như dicyclomine HCl (bentyl), hyoscyamine sulfate (levsin) có thể thuyên giảm chứng đau bụng kèm theo tiêu chảy. Vì bệnh có khuynh hướng thay đổi theo chu kỳ từ tiêu chảy đến táo bón, nên bệnh nhân thường uống thuốc cầm loperamide (imodium) hoặc diphenoxylate (lomotil) khi bị tiêu chảy và uống thuốc sổ khi bị táo bón. Một số bệnh nhân rối loạn tiêu hóa với biểu hiện tiêu chảy có thể cảm thấy dễ chịu hơn khi uống amitriptyline (elavil), một loại thuốc chữa bệnh u sầu.
Lời khuyên bác sĩ: Tuy hội chứng tiêu hóa vẫn được xem là một “bệnh tâm lý”, một số thuốc có thể làm thuyên giảm những triệu chứng một cách đáng kể, tuy nhiên, sự thành công trong việc chữa trị một phần phụ thuộc chế độ ăn uống của người bệnh.
Tin cùng loại
- Trị ăn không tiêu đơn giản tại nhà
- Nguyên nhân ảnh hưởng không tốt đến hệ tiêu hóa
- Chứng ợ hơi sau bữa ăn
- Cách tăng cường chức năng gan
- Thực đơn cần thiết cho người bị bệnh viêm gan B
- Thực phẩm hại gan bạn cần tránh
- Bệnh đau dạ dày kiêng ăn gì và lưu ý gì khi ăn uống
- Những bệnh tiêu hóa thường gặp
- 3 chiêu thức trị tiêu chảy hiệu quả
- Những điều cần biết về tẩy giun