Măng tre tốt cho tim mạch

Trong bữa cơm của người Việt Nam ta từ xa xưa, măng tre là loại thực phẩm quen thuộc để chế biến nhiều món ăn rất ngon như thịt kho măng, vịt nấu măng, giò heo nấu măng...

Trong măng tre có ít nhất 18 loại axít amin với thành phần khác nhau, rất ít lipid, đường, chất béo nhưng lại nhiều chất xơ, vitamin A, B1, B2, C và khoáng chất như kali, canxi, sắt... Chất xơ (xenlulô) có nhiều trong măng góp phần quan trọng trong việc bảo vệ sức khỏe, chống bệnh máu nhiễm mỡ, cao huyết áp, béo phì, trĩ, đái tháo đường, ung thư hay bệnh mạch vành.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy măng tre có lợi cho tim mạch bởi đây là nguồn cung cấp dồi dào phenolic acid và chất chống ôxy hóa nên có khả năng chống viêm cho cơ thể rất tốt. Đặc tính chống viêm của măng tre đóng một vai trò quan trọng trong việc làm giảm nguy cơ các bệnh mạn tính, bao gồm cả bệnh tim. Bên cạnh đó, măng tre cũng chứa rất nhiều vitamin B6 giúp cho làn da khỏe mạnh.

Phụ nữ ăn măng tre thường xuyên trong 6 ngày có chỉ số cholesterol giảm trung bình khoảng 16,1 mg/dl so với những người không ăn. Ăn măng tre thường xuyên còn có thể kích thích đường ruột tiêu hóa thức ăn dễ dàng vì măng tre chứa nhiều chất xơ. Măng tre chứa ít calo và phần lớn là chất xơ nên đối với phụ nữ muốn giảm cân thì có thể đưa măng tre vào thực đơn của mình, vừa bảo đảm năng lượng hoạt động cho cả ngày, lại giảm cân hiệu quả. Ngoài ra, măng tre là nguồn thực phẩm dồi dào kali, có tác dụng làm giảm huyết áp rất tốt.

Măng tre tốt cho tim mạch
 
Tuy nhiên, khi sử dụng măng nói chung, trong đó có măng tre, cần lưu ý: Vì trong măng tươi thường chứa chất glycocid có khả năng biến thành axít cyanhydric (HCN) gây độc. Với liều 50-60 mg (tức vào khoảng 200 g măng tươi chưa luộc), HCN sẽ gây chết người. Để loại bỏ HCN trong măng, cần luộc và ngâm kỹ. Trong 100 g măng tươi chưa luộc có tới 32-38 mg HCN. Ở măng đã luộc kỹ (đổ nước), lượng chất này còn 2,7 mg, ở măng tươi ngâm chua là 2,2 mg, ở nước luộc măng là 10 mg. Ngay cả khi ăn quá nhiều măng cũng có thể bị nhức đầu, chóng mặt... Do đó, mỗi lần ăn không nên quá 100 g măng tươi.

Để khử độc, cần thái măng thành lát mỏng (măng khô thì xé từng sợi nhỏ) ngâm trong nước sạch qua đêm trước khi chế biến. Ngâm măng vào nước vôi trong, luộc bỏ nước vài lần để lọc chất đắng. Khi luộc măng cần phải để nồi hở nắp cho axít cyanhydric theo hơi nước bay ra ngoài vì loại axít này tan trong nước.

Lưu ý: Người có máu hàn hoặc đang ốm thì phải kiêng măng. Người có bệnh sốt rét cũng vậy. Trong măng có nhiều calcium oxalate khó tan nên những người bị viêm thận, sỏi tiết niệu khi sử dụng phải hết sức thận trọng.

Tin cùng loại

Bình luận