Nguy cơ tắt động mạnh chủ ở người béo phì, tiểu đường

Tắc động mạch chủ bụng nếu không phát hiện sớm để điều trị kịp thời sẽ dẫn đến hoại tử, thậm chí phải tháo khớp hoặc cắt cụt chân…

Bệnh dễ dẫn đến cụt chi

Ông Nguyễn Hữu Na (Hà Nội) có tiền sử bệnh tiểu đường. Ông vào viện với triệu chứng như sốt, chân lạnh, tím và đau khiến ông không thể vận động hay đi lại được. Trước đó, chân phải ông không cử động được, sau khi điều trị tại BV 103 khỏi được một thời gian thì ông lại bị chân trái. Đây là lần thứ 3 ông nhập viện trong năm, nhưng lần này bàn chân trái của ông bị nặng hơn. Chân bị tím đen, loét chẩy ra dịch màu đen khiến ông sốt, đau đớn... Tại đây, qua siêu âm mạch máu và chụp động mạch chủ bụng, các bác sỹ phát hiện động mạch chủ bụng có thành dày, nhiều xơ vữa, động mạch chủ bụng hẹp nặng, gần tắc hoàn toàn, kèm theo có hẹp cả 2 động mạch chậu. 

Bệnh nhân đã được các bác sỹ can thiệp mạch bằng cách sử dụng 2 stent tự bung đặt từ động mạch chậu lên động mạch chủ bụng. Sau 3 giờ can thiệp, kỹ thuật đã thành công. Hiện ông đã có thể đi lại bình thường, vết loét dần liền sẹo.

TS. Lương Công Thức, Phó Chủ nhiệm khoa Tim Mạch (BV 103) cho biết, động mạch chủ bụng là một mạch lớn cung cấp máu chủ yếu cho các cơ quan trong ổ bụng và 2 chi dưới. Do vậy, hẹp, tắc động mạch chủ bụng sẽ rất nguy hiểm. Nó có thể dẫn đến thiếu máu nuôi dưỡng các tạng bên trong ổ bụng và đặc biệt là hai chân. Người bệnh sẽ bị thiếu máu chi dưới với biểu hiện là hoại tử chi thậm chí phải cắt cụt chi. Nếu tắc, hẹp động mạch chủ bụng phía trên động mạch thận thì bệnh nhân còn có thêm các triệu chứng của thiếu máu thận với biểu hiện lâm sàng tăng huyết áp, thận bị teo và dần dần mất chức năng và cuối cùng là suy thận. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời, người bệnh sẽ bị nguy hiểm tới tính mạng và khả năng phải cắt cụt chi là rất cao.


Động mạch bị hẹp do tụ mỡ và xơ vữa (Ảnh minh họa)

 

Ngoài ra, bệnh nhân cũng có thể gặp một số triệu chứng như đau bụng, đau cách hồi ở hai chân khi đi lại, dần dần đau cả khi nghỉ và cuối cùng là loét, thậm chí hoại tử chân. Để chẩn đoán chính xác, người bệnh cần được khám xét ở các cơ sở chuyên khoa Tim mạch. Các bác sỹ sẽ khám, làm siêu âm mạch máu, chụp mạch máu mới phát hiện được vị trí, tính chất và mức độ hẹp, tắc.


Đối phó với bệnh tắc động mạch chủ

BS Trần Đức Hùng, Chủ nhiệm khoa Tim Mạch, Bệnh viện Quân y 103 cho biết, trước kia bệnh nhân bị tắc động mạch chủ bụng thường được dùng stent graft. Loại này có thể áp dụng ở nhiều vị trí của động mạch chủ do kích thước lớn. Tuy nhiên, giá thành của nó khá cao khoảng 300 triệu đồng trong khi stent này không có sẵn mà phải đo đạc kích thước rồi chuyển ra nước ngoài để các hãng sản xuất stent làm kích thước phù hợp với bệnh nhân. Bởi vậy nó gây tốn kém về thời gian cũng như kinh tế cho người bệnh. 

 

Với phương pháp tại Bệnh viện Quân y 103 đang thực hiện, các bệnh nhân này được áp dụng kỹ thuật mới đặt 2 stent ngoại biên song song. Chi phí cho can thiệp này khoảng 50 triệu. Nhưng hiện nay gần như bệnh nhân được hưởng bảo hiểm hoàn toàn nên không mất kinh phí nhiều. Ngoài ra, loại này kích thước nhỏ, có sẵn nên khi thực hiện tổn thương cho người bệnh cũng sẽ ít hơn.
 

Các bác sỹ khoa tim mạch (BV 103) cho hay,  người béo phì, huyết áp cao, tiểu đường, rối loạn lipid máu, hay nghiện thuốc lá, thuốc lào... là những đối tượng dễ mắc bệnh tắc động mạch ngoại biên, tắc động mạch chủ bụng. Để phòng bệnh, mọi người cần từ bỏ những yếu tố nguy cơ cao như hút thuốc lá, điều trị các bệnh tăng huyết áp, tiểu đường, rối loạn mỡ máu... Khi phát hiện triệu chứng đau, tê chân, đau mỏi hoặc loét ở đầu ngón chân nên đi khám chuyên khoa tim mạch sớm để phát hiện bệnh và điều trị  kịp thời. 

Theo MASK Online

Tin cùng loại

Bình luận