Chảy máu mũi – tình trạng nguy hiểm của cơ thể

Chảy máu mũ hay dân gian còn gọi là chảy máu cam, là tình trạng xuất huyết ở đường mũi, bệnh phổ biến và thường gặp trong cuộc sống hàng ngày.

Chảy máu mũi hay trong dân gian còn gọi là chảy máu cam, là tình trạng xuất huyết ở đường mũi, bệnh phổ biến và thường gặp trong cuộc sống hàng ngày. Đa số bệnh nhẹ và khỏi tự nhiên. tuy nhiên, có một số bệnh nhân bị nặng, hay tái phát có thể nguy hiểm đến tính mạng nếu không điều trị kịp thời.

Bệnh hay gặp vào mùa lạnh, gặp ở mọi lứa tuổi, nam cũng như nữ và không có tỉ lệ khác nhau.

Ở điều kiện sinh lý bình thường, mạch máu vùng mũi rất phức tạp và có nhiều dị dạng, cả động mạch cảnh trong và động mạch cảnh ngoài đều có các nhánh để cung cấp máu cho vùng mũi. Động mạch cảnh trong cho nhánh động mạch sàng trước và động mạch sàng sau chạy vào mũi qua các lỗ xương sàng, chia các nhánh trong và nhánh ngoài. Nhánh trong cung cấp máu cho vùng trên vách ngăn và điểm mạch Kisselbach, nhánh ngoài cung cấp máu cho vùng trên và giữa cuống mũi. 

Động mạch cảnh ngoài cung cấp máu cho mũi qua nhánh động mạch mặt và nhánh tận là động mạch hàm trên. Nhánh tận động mạch hàm trên cho các nhánh cung cấp máu cho mũi như động mạch khẩu cái lớn, động mạch hầu, động mạch mũi sau và động mạch bướm khẩu cái. Nhánh động mạch sàng trước và nhánh mũi động mạch mặt hình thành đám rối Kisselbach là nơi dễ bị chảy máu mũi.

Về nguyên nhân, các nhà y học thấy rằng chảy máu mũi liên quan nhiều đến các bệnh viêm niêm mạc mũi từ nhiễm trùng đường hô hấp cấp, viêm xoang mãn tính, không khí lạnh khô đến viêm mũi dị ứng thông thường. Chảy máu mũi do dị dạng các mạch máu ở mũi; do dị vật mũi. Bệnh này thường gặp ở trẻ em, cho các đồ chơi nhỏ vào mũi, bé hay bị chảy mũi, nghẹt mũi, chảy máu mũi một bên. Chảy máu mũi do các khối u trong mũi, thường có ở người lớn tuổi, nghẹt mũi một bên tăng dần, chảy máu mũi lúc đầu lượng ít sau nhiều hơn. Do xịt mũi hay xông mũi, trường hợp này hay gặp là do khi dùng thời gian dài. Ngoài ra còn do ngoáy mũi làm tổn thương niêm mạc mũi; do chấn thương thương gãy xương chính mũi, chấn thương sụn vách ngăn, trường hợp này đa số là chảy máu nhẹ; sau phẫu thuật mũi, xoang; do tổn thương mạch máu mũi.

Chảy máu mũi còn gặp trong một số bệnh nội khoa như: tăng huyết áp, huyết áp cao làm vỡ mạch máu, mạch máu người lớn tuổi hay bị xơ cứng dễ vỡ hơn người trẻ tuổi; gặp trong suy tim, bệnh giảm tiểu cầu, dị ứng toàn thân, nghiện rượu, bệnh máu ác tính, do sử dụng thuốc kéo dài thời gian máu chảy như: aspirin, warfarin, isotretinoin, nhóm thuốc kháng viêm không corticoid…
 
Chảy máu mũi - tình trạng nguy hiểm của cơ thể
 
Về điều trị, có khoảng 95% số ca chảy máu mũi ở mũi trước, thường nhẹ tự cầm trước khi đến bệnh viện, do chảy máu ở vùng điểm mạch Kiesselbach. Trường hợp máu chảy ở vùng vách ngăn mũi sau hay thành ngoài sau mũi có nguồn gốc từ động mạch thì máu chảy nhiều, khó cầm máu. Trường hợp này cần phải nội soi mũi để xác định chính xác, từ đó đưa ra phương pháp điều trị phù hợp như điều trị bằng phương chấm nitrat bạc, đốt điện, đốt laser, nhét mũi trước bằng quả bóng... Dùng thuốc co mạch, thuốc đông máu, vitamin K…
 

Bệnh nhân cần đến ngay bệnh viện khi:

Chảy máu với số lượng nhiều, tái phát nhiều lần, chảy máu mũi kết hợp với chảy máu nơi khác như: ở đường tiểu, đường tiêu hóa; khi đang dùng thuốc khác có nguy cơ gây chảy máu như: aspirin, coumarin…; có bệnh khác có thể ảnh hưởng đến chức năng đông máu như: bệnh gan, bệnh thận, bệnh ưa chảy máu; đang điều trị hóa chất; sau đã được xử trí cầm máu mà có những biểu hiện như vẫn còn chảy máu ra trước hay xuống họng. Nếu thấy chóng mặt, nhức đầu, người mệt nhiều, tim đập nhanh hay khó thở, nổi ban đỏ hay sốt trên 38,5oC thì cần báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để tiên lượng cũng xử trí kịp thời.
 
Về phòng bệnh, trước hết người bệnh cần bỏ thói quen ngoáy mũi, cẩn thận khi tiếp xúc với những kích thích trong không khí như: khói, bụi, không khí khô hanh làm khô niêm mạc mũi, giảm dần lượng thuốc xịt mũi có cocticoid; theo dõi định kỳ với những bệnh nhân có tiền sử các về bệnh máu, bệnh tăng huyết áp, chấn thương đầu đặc biệt có nứt ổ mắt và không nhìn được.
BS. Trần Quốc Long/Theo SK&ĐS

Tin cùng loại

Bình luận