Khói thuốc lá có thể gây béo phì

Một số người tin rằng hút thuốc lá giúp họ không bị béo, nhưng một nghiên cứu mới công bố cho thấy rằng khói thuốc lá thực chất khiến mọi người tăng cân.

Các nhà khoa học thuộc trường đại học Brigham Young (Mỹ) muốn tìm hiểu khói thuốc lá liên quan như thế nào tới quá trình trao đổi chất. Họ cũng muốn làm sáng tỏ cơ chế khiến những người hút thuốc trở nên kháng insulin, dẫn đến tăng cân.

Để tiến hành nghiên cứu, các nhà khoa học đã cho chuột ngửi khói thuốc thụ động và phân tích quá trình trao đổi chất trong cơ thể chúng. Kết quả cho thấy những con chuột bị phơi nhiễm khói thuốc đều tăng cân nhanh hơn những con chuột không ngửi khói thuốc.
 

 
Khi kiểm tra tế bào của chuột ngửi khói thuốc, các nhà khoa học phát hiện khói thuốc kích hoạt một loại lipid có tên là ceramide, làm biến đổi ty thể trong các tế bào. Điều này phá vỡ chức năng của tế bào bình thường và buộc tế bào phản ứng với insulin.

Giáo sư Paul Reynolds, người đứng đầu nghiên cứu, cho biết hút thuốc thụ động làm thay đổi độ khả năng nhạy cảm của cơ thể đối với insulin. Những nghiên cứu trước đó cũng chứng minh hút thụ động gây hại cho cơ thể vì khói thuốc chứa hơn 4.000 chất hóa học, bao gồm nhiều chất gây kích thích và độc hại, thậm chí một số chất có thể gây ung thư.

“Khi người nào trở nên kháng insulin, cơ thể họ sẽ cần nhiều insulin hơn. Và khi lượng insulin tăng lên, thì mỡ cũng bắt đầu tích tụ nhiều hơn trong cơ thể”, giáo sư Reynolds giải thích.

Nhóm nghiên cứu cho rằng cách để hạn chế sự ảnh hưởng của khói thuốc lá là ngăn chặn ceramide. Họ phát hiện những con chuột được điều trị bằng myriocin, một loại thuốc ức chế ceramide, không tăng cân hay gặp vấn đề về trao đổi chất, cho dù chúng vẫn ngửi khói thuốc.

Hiện tại, các nhà khoa học đang chạy đua để tìm ra một loại thuốc ức chế ceramide an toàn đối với con người nhằm giúp bảo vệ những nạn nhân hút thuốc thụ động. Tuy nhiên, cách tốt nhất vẫn là tránh hút thuốc cũng như trở thành nạn nhân hút thuốc thụ động.
Theo MASK Online

Tin cùng loại

Bình luận