Lưu ý quầng thâm mắt ở trẻ nhỏ

Chúng ta thường chủ quan không quan tâm đến những vết thâm ở hai mắt. Tuy nhiên, đây có thể là dấu hiệu của việc suy giảm chức năng ở cơ thể.

Chị Nguyễn Bích Đào (32 tuổi) ngụ ở Mê Linh, Hà Nội cho biết do công việc chị phải làm ca đêm, nên thường xuyên có quầng thâm mắt, tuy nhiên những năm gần đây, bọng mắt ngày một to lên.

Điều làm chị Đào lo lắng hơn là bọng mắt cũng xuất hiện ở con gái thứ hai của chị mới 6 tuổi. Theo chị, cháu ăn uống đầy đủ, đi ngủ điều độ, đủ giấc nên việc mắt cháu bị thâm quầng làm chị rất ngạc nhiên và bối rối.

 

Nguyên nhân gây quầng thâm ở mắt

 
Khi trao đổi với BS. Nguyễn Duy Bích về vấn đề này, bác sĩ cho biết có rất nhiều nguyên nhân gây ra quầng thâm ở mắt như va chạm trực tiếp làm các mạch máu xung quanh mắt bị vỡ, tích tụ thành vết thâm. Thiếu ngủ cũng là một trong những nguyên nhân gây quầng thâm ở mắt. Chúng cũng thường xuất hiện ở những người có làn da mỏng, khi tiếp xúc với ánh nắng, sắc tố melanin tăng làm đen da. Ngoài ra, đây cũng là một dấu hiệu cảnh báo việc suy giảm chức năng của các bộ phận cơ thể như thận, gan, thậm chí là tim.
 

Chức năng gan, thận suy yếu cũng là nguyên nhân gây quầng thâm mắt (Nguồn: Internet)

Bác sĩ cho biết thêm khi chức năng thận, gan suy yếu, các chức năng chuyển hóa sẽ bị rối loạn, làm các mạch máu tổn thương dẫn đến hiện tượng thâm quầng. Tương tự, khi chức năng tim bị suy yếu, khả năng co bóp tim cũng yếu đi dẫn đến hiện tượng máu bị ứ đọng ở các vùng ngoại vi làm da tím tái. Vùng da ở mắt sở dị biểu hiện rõ ràng hơn là do đây là vùng da nhạy cảm nhất trên cơ thể, dễ chịu tác động nhất khi các chức năng cơ thể bị suy giảm.
 

Cần đưa trẻ đi khám ngay nếu xuất hiện quầng thâm ở mắt

 
Nhiều người cho rằng nữ giới thường xuất hiện quầng thâm nhiều hơn nam giới tuy nhiên BS Nguyễn Duy Bích cho biết thực tế thì việc xuất hiện quầng thâm không phụ thuộc vào giới tính. Chúng cũng không mang tính di truyền do quầng thâm phụ thuộc vào nội tiết tố của từng người, thói quen sinh hoạt hoặc do các tác động từ môi trường bên ngoài.
 

Cần đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ có dấu hiệu xuất hiện quầng thâm mắt kéo dài (Nguồn: Internet)

BS Nguyễn Duy Bích phân tích thêm, xuất hiện quầng thâm ở trẻ nhỏ có thể là do suy dinh dưỡng, thiếu sắt, thiếu máu... Dị ứng thuốc cũng là một trong những nguyên nhân. Tuy nhiên cũng không thể bỏ qua khả năng các chức năng gan, thận bị suy giảm. Vì vậy, cần lập tức đưa trẻ đi khám nếu thấy trẻ có dấu hiệu xuất hiện quầng thâm mắt kéo dài cùng với các triệu chứng như gầy gò, xanh xao, chán ăn…

Một đôi mắt khỏe là đôi mắt không mắc các bệnh về mắt như cận, viễn, loạn thị… Bên cạnh đó, đôi mắt đẹp là đôi mắt không có quầng thâm mắt. Do đó, để giữ mắt khỏe, đẹp cần phải có một chế độ ăn khoa học, hợp lý, đặc biệt là không để mắt hoạt động liên tục trong thời gian dài và ở trong môi trường thiếu ánh sáng.

 
Theo Bestie

Tin cùng loại

Bình luận