Người bệnh tim mạch giải khát ngày hè

Số người mắc bệnh tim mạch và tử vong do bệnh tim mạch được biết rất cao, nhất là khi thời tiết khắc nghiệt.

Vào những ngày hè nóng nực, người ta thở nhanh hơn và ra mồ hôi nhiều nên dễ bị mất nước và điện giải, máu đặc lại nên lưu thông khó hơn và tim bơm vất vả hơn. Điều này gây nguy hiểm cho người sẵn có bệnh tim mạch (như huyết áp thấp, suy tim, rối loạn nhịp tim, thiếu máu cơ tim) hoặc tăng nguy cơ tác dụng phụ của các thuốc tim mạch (thuốc trị tăng huyết áp, suy tim…).

Thức uống ngày hè tuyệt vời

Chúng ta cùng điểm lại những thức uống thông dụng có thể dùng sau đây, vừa giải khát vừa bảo vệ sức khoẻ tim mạch:

Nước dừa tươi:  Cung cấp vitamin (vitamine B1, B2, C) và khoáng chất (như kali, kẽm, magiê) tốt cho tim mạch, vì người tăng huyết áp thường có kali máu thấp, người bệnh cơ tim do rượu thường thiếu vitamine B1, người đang dùng thuốc lợi tiểu thiazid hay bị thiếu kali, magiê nên dễ vọp bẻ, bải hoải, loạn nhịp tim. Nước dừa chẳng những bổ sung các chất trên mà còn giúp tăng cholesterol tốt (HDL-C) ngăn ngừa xơ vữa động mạch. Tuy nhiên, không nên uống hơn 3-4 trái mỗi ngày và nhiều ngày liền vì có thể bị ớn lạnh, đầy bụng, chậm tiêu, tiêu chảy… mà theo y học cổ truyền là do đưa nhiều thấp khí vào cơ thể gây rối loạn hoạt động tiêu hoá và bắp cơ.

 


Nước dừa


Nước ép trái cây: Hoa quả tươi có nhiều vitamin C như dưa hấu, cam, thanh long, nho, táo, cà chua, chanh dây, cà rốt, dứa… chứa nhiều chất chống ôxy hóa giúp giảm cholesterol máu, và các bệnh tim mạch do xơ vữa như  tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não. Ép lấy nước uống hoặc xay sinh tố đều tốt. Xoài thường bị hiểu lầm là không nên ăn nhiều trong mùa hè, vì làm cho cơ thể bị nóng nhưng lượng vitamin A trong xoài chính là một chất chống ôxy hóa mạnh góp phần ngăn ngừa đột quỵ. Cũng cần lưu ý: nước ép trái cây nhiều vitamine C có thể làm tái phát đau dạ dày, làm tăng kali máu ở người có bệnh thận mạn hoặc làm tăng đường huyết ở người đái tháo đường.

Nước quả ngâm: Quả mơ có vitamine B, C, chất chống ôxy hoá nên tốt cho cả tim và mạch máu.

 


Nước quả ngâm


Nước mía: Chất policosanol có trong nước mía giúp làm giảm cholesterol xấu của cơ thể, tránh các bệnh liên quan xơ vữa động mạch, lại thêm nồng độ cao kali, mangan, magiê, tốt cho người kém ăn hoặc đang uống thuốc lợi tiểu dễ bị mất các điện giải trên. Do lượng đường cao, nên hạn chế thức uống này nếu thừa cân, béo phì hoặc có bệnh đái tháo đường kèm theo.

Nước trà xanh: Vitamin PP trong trà xanh  làm tăng độ bền của mạch máu, giữ cho mạch máu mềm mại. Ngoài ra, chất Eipgallocatechin gallate có khả năng chống ôxy hóa cao, sẽ chống lại quá trình ôxy hóa các hạt mỡ xấu LDL cholesterol là nguyên nhân của xơ vữa động mạch, từ đó giúp tăng cường tuần hoàn máu, giảm mỡ máu, và ngăn ngừa tăng huyết áp. Nhiều nghiên cứu đã xác định, uống trà xanh thường xuyên giúp giảm rõ rệt tỉ lệ tử vong của bệnh tim mạch do tắc mạch hay vỡ mạch. Nhưng nếu uống nhiều quá (hơn 2 – 3 tách mỗi ngày và uống lâu dài) có thể tăng tiết axít dạ dày gây hại cho người từng bị viêm dạ dày thực quản trào ngược, cản trở hấp thu sắt nên bị thiếu máu thiếu sắt, ngăn sử dụng canxi nên dễ bị loãng xương, và ca-phê-in trong trà tuy ít hơn cà phê nhưng cũng có thể gây bồn chồn, lo âu, mất ngủ.

Cà phê:

 


Cà phê


Có chất chống ôxy hóa giúp ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tim mạch, đái tháo đường, đột quỵ, nhưng nếu uống nhiều, đậm đặc hoặc do một số người không thích ứng , mới uống chưa quen sẽ bị tăng nhịp tim, tăng huyết áp, bồn chồn, thậm chí rối loạn nhịp tim, run tay chân. Từ nhiều nghiên cứu cho thấy, người có cơ địa chuyển hoá cà phê bình thường, chỉ nên uống 2-3 tách cà phê mỗi ngày (ít hoặc nhiều hơn đều không tác dụng bảo vệ tim mạch), người có cơ địa chuyển hoá  kém, nên uống 1 tách mà thôi.

Nước rau má: Có nhiều sinh tố, khoáng chất, chất chống ôxy hoá, đặc biệt hiệu quả trên tuần hoàn tĩnh mạch, mao mạch, giúp người bị suy van tĩnh mạch chân sẽ bớt sưng đau, mỏi, phù, vọp bẻ ở chân. Do có tính hàn nên nếu dùng nhiều có thể bị đau bụng, tiêu chảy. Ngoài ra, rau má có thể làm mất tác dụng của thuốc trị đái tháo đường và mỡ máu. Trung bình mỗi ngày có thể dùng 40 gam rau má và không liên tục quá 1 tháng, ít nhất nên có thời gian nghỉ nữa tháng giữa các đợt dùng.

Sữa đậu nành: Ngoài  giàu đạm và acid amin thiết yếu, sữa đậu nành có nhiều vitamin nhóm B (B1, B2, B3, B6) và vitamin E, khoáng chất canxi, sắt, magiê, kali, Isoflavone có tác dụng rất tốt với phụ nữ như giảm mỡ bụng, giảm mỡ xấu trong máu - đây chính là những yếu tố liên quan tăng huyết áp, bệnh mạch vành, mạch não và cả đái tháo đường.  Năm 2015, Cơ quan quản lý dược phẩm và thực phẩm Mỹ  FDA khuyên nên dùng 25g protein đậu nành mỗi ngày, giúp giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Tuy nhiên, nên hỏi ý kiến bác sĩ nếu có bệnh lý tuyến giáp hoặc gút kèm theo.

 


Sữa đậu nành


Nước bí đao:  Tương tự các thức uống trên, nước bí đao giàu vitamine nhóm B, C, bêta caroten, chất xơ và khoáng chất  kali, magiê, tốt cho tim mạch. Ngoài ra, còn có  hợp chất hyterin-caperin ngăn chuyển hóa đường thành mỡ nên hiệu quả giảm béo phì, thừa cân. Hàm lượng natri trong bí đao thấp, nên rất tốt cho những người bị xơ vữa động mach, huyết áp cao… Cần nhớ nấu chín chứ không được dùng bí đao sống sẽ hại cho đường tiêu hoá.

Sữa chua uống: 

 


Sữa chua uống


Chứa đủ protein, vitamin (đặc biệt là B2, B5, D) cũng như chất khoáng cần thiết cho cơ thể (kali, canxi, phốtpho, iốt, kẽm).  Nhiều nghiên cứu đã kết luận dùng đều đặn sữa chua uống, sẽ giảm 60 - 80% lượng chất béo trong cơ thể, đặc biệt là giảm vòng eo do làm giảm mỡ xấu, kéo theo giảm nguy cơ bệnh tim mạch. Kali trong sữa chua giúp cơ thể thải bớt muối Natri thừa nên ngăn ngừa tăng huyết áp.

Hầu hết các loại nước giải khát vừa đề cập  đều có nhiều chất tốt cho nhiều mặt khác nhau của cơ thể. Riêng với tim mạch, những thức uống này có kali giúp tránh tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim; có chất chống ôxy hoá giúp tránh xơ vữa động mạch, bệnh mạch vành, mạch não; có chất chống béo phì, béo bụng. Tuy nhiên, cần cẩn trọng nếu có bệnh khác kèm theo. Tốt nhất là nên thay đổi thức uống thường xuyên,  không nên dùng quá nhiều trong thời gian dài.

 

Theo Laodong.com.vn

 

Tin cùng loại

Bình luận