Hội chứng trẻ bị lắc có thể làm trẻ tử vong

Khi trẻ khóc, chúng ta có thói quen rung lắc, tung hứng để dỗ trẻ. Tuy nhiên, thói quen này có thể để lại những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí dẫn đến trẻ tử vong

Hội chứng trẻ bị lắc là gì?

 
Hội chứng trẻ bị lắc là hội chứng khi bị rung lắc mạnh, ví dụ như tung hứng trẻ, quay vòng tròn hoặc đưa võng, đưa nôi quá mạnh, não của trẻ sẽ di chuyển theo quán tính bên trong hộp sọ. Việc va chạm với hộp sọ làm não trẻ bị sưng phù, bầm dập và tổn thương các mạch máu trong não.
 

Tung hứng trẻ có thể làm não của trẻ bị sưng phù, bầm dập (Nguồn: Internet)

Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 2 tuổi, thường gặp nhất là ở trẻ sơ sinh từ lúc mới sinh đến 8 tháng tuổi. Chỉ cần lắc một trẻ sơ sinh trong vài giây là đã có thể gây chấn thương khó phục hồi.
 

Hậu quả của hội chứng trẻ bị lắc

 
Trong trường hợp nhẹ, trẻ vẫn có biểu hiện bình thường sau khi trẻ bị lắc tuy nhiên, trẻ dần giảm sự linh hoạt, ngủ nhiều, ít hoặc hầu như không cười. Nặng hơn, trẻ bị co giật, nôn mửa, hôn mê, ngừng thở. Trầm trọng hơn có thể làm trẻ bị lắc tử vong. Theo báo cáo của các chuyên gia, trung bình mỗi năm có khoảng 2000 trẻ tử vong ở Mỹ.
 

Trẻ giảm linh hoạt, ngủ nhiều khi bị rung lắc mạnh (Nguồn: Internet)
 

Biện pháp phòng tránh

 
Để ngăn ngừa hội chứng trẻ bị lắc, cha mẹ nên hạn chế rung lắc trẻ như không đưa nôi, đưa võng quá mạnh; không tung hứng, bế thốc ngược; không tát, đánh vào đầu trẻ. Cha mẹ cũng nên nói rõ vấn đề này cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là người trực tiếp giữ trẻ như người giúp việc, bảo mẫu… Bên cạnh đó, không nên cho người dễ nổi giận hoặc không kiềm chế được cảm xúc của mình đến gần trẻ.
 

Không đưa võng quá mạnh để tránh hội chứng trẻ bị lắc (Nguồn: Internet)
 
Thúy An (Theo Suckhoedoisong)

Tin cùng loại

Bình luận