Bí quyết sống khỏe để phòng bệnh ung thư

40% các loại ung thư có thể ngăn ngừa được bằng cách thay đổi lối sống. Do đó chúng ta hoàn toàn có thể phòng ngừa ung thư bằng một lối sống lành mạnh và khoa học.

Nhiều nghiên cứu đã khẳng định mối liên hệ nhân quả giữa cân nặng với nguy cơ mắc một số loại ung thư như ung thư vú, đại trực tràng, thực quản. Theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), người châu Á với chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 23 trở lên đối diện với nguy cơ bị ung thư cao hơn. Nguy cơ này càng tăng cao với người có BMI từ 27,5 trở lên. Bác sĩ khuyên mọi người nên duy trì chỉ số BMI trong phạm vi khỏe mạnh từ giữa 18,5 đến 23 sẽ giúp giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mạn tính và ung thư.
 

Bí quyết sống lành mạnh và khoa học


Nguyên tắc quan trọng nhất để giảm cân là duy trì tập thể dục và hoạt động thể chất thường xuyên. Đồng thời hạn chế những thói quen ít vận động như xem tivi hoặc chơi game trên thiết bị điện tử. "Hãy bắt đầu thói quen vận động ngay từ hôm nay. Thời gian đầu chỉ cần duy trì hoạt động thể chất cường độ vừa phải như đi bộ nhanh 30 phút mỗi ngày, 3 ngày trong một tuần. Từ từ tăng lên 60 phút hoạt động nhẹ nhàng hoặc 30 phút hoạt động mạnh như chạy bộ mỗi ngày", bác sĩ Khoo, phó giám đốc Y khoa Trung tâm ung thư YCC, Singapore nói.
 
ung thư, ngăn ngừa ung thư, vận động
Nguyên tắc quan trọng nhất là tăng cường vận động thể chất (Nguồn: Afamily)

Phần lớn bệnh nhân ung thư phổi là người hút thuốc. Do vậy các chuyên gia khuyến cáo mọi người nên tránh xa thuốc lá, thuốc lào là cách hiệu quả nhất để ngăn ngừa bệnh ung thư phổi. Ngoài ra còn giúp giảm nguy cơ ung thư gan, vòm họng, thực quản và dạ dày.

Duy trì chế độ ăn uống lành mạnh hàng ngày có ý nghĩa rất lớn trong việc ngăn ngừa ung thư. Cụ thể, nên tăng cường tiêu thụ thực phẩm có nguồn gốc thực vật như các loại rau củ và trái cây, giảm thịt và thực phẩm chế biến sẵn. Nhiều nghiên cứu chỉ ra các thành phần có trong tỏi, nho, việt quất, bông cải xanh, súp lơ, trà xanh có khả năng chữa trị các tế bào hư hỏng và ngăn ngừa ung thư. Thực phẩm chứa hàm lượng chất xơ cao cũng rất tốt cho hệ tiêu hóa. Thực phẩm nguyên hạt và đậu có chất phytochemical giúp bảo vệ các tế bào khỏi bị hư hại.

Ngược lại, nên ăn ít thịt và thực phẩm chế biến sẵn. Nghiên cứu cho thấy thịt đỏ, mỡ động vật và các loại thịt chế biến sẵn như dăm bông, thịt xông khói và xúc xích có liên quan đến ung thư ruột hay đại trực tràng. Giảm tiêu thụ các loại thịt chế biến có thể làm giảm 10% nguy cơ ung thư ruột.

Rượu bia được chứng minh làm tăng nguy cơ mắc ung thư thực quản, miệng, thận, ruột kết, vú và gan. Những người uống bia rượu càng nhiều và thường xuyên thì nguy cơ mắc bệnh càng cao. Do vậy bác sĩ khuyên nên uống rượu bia vừa phải, không nên quá 2 đơn vị cồn trong một ngày với nam giới, với phụ nữ là một đơn vị. Một đơn vị cồn tương đương với 3/4 chai bia 330 ml (5%) hoặc một ly rượu vang 100 ml (13,5%), cốc bia hơi 330 ml hay một chén rượu mạnh 30 ml (40%).

 
ung thư, ngăn ngừa ung thư, hạn chế uống rượu
Hạn chế bia rượu để ngăn ngừa ung thư miệng, thực quản... (Nguồn: Suckhoedoisong)

Đối với tất cả các loại bệnh ung thư, việc phát hiện sớm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả điều trị. Do vậy bác sĩ khuyên cộng đồng nên tăng cường ý thức việc tầm soát ung thư. Nếu phát hiện bệnh ở giai đoạn đầu có thể điều trị khỏi hoàn toàn. giúp bạn tránh được một cuộc chiến lâu dài với ung thư. Chẳng hạn những người thuộc nhóm nguy cơ bị ung thư đại trực tràng nên bắt đầu tập thói quen xét nghiệm kiểm tra máu trong phân ở tuổi 50, soi kết tràng xích ma linh hoạt 5 năm một lần, nội soi đại tràng 10 năm một lần. Việc tầm soát thường xuyên hơn được đề nghị cho những người có nguy cơ cao hơn.

Phụ nữ từ tuổi 40 nên thực hiện tầm soát ung thư vú thường xuyên. Bắt đầu bằng việc tự kiểm tra vú, chụp nhũ ảnh hàng năm. Xét nghiệm kính phết ung thư cổ tử cung được đề nghị cho nữ giới từ 25 đến 69 tuổi và những người đã có quan hệ tình dục. Ngoài ra tiêm phòng cũng giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư liên quan đến nhiễm virus. Chẳng hạn như viêm gan B có thể dẫn đến ung thư gan, virus HPV (virus Papilloma ở người) có thể dẫn đến ung thư cổ tử cung và các bộ phận sinh dục khác.

Để phòng tránh ung thư da, bác sĩ khuyên nên tránh tiếp xúc với ánh nắng quá nhiều. Ung thư da thường xuất phát ở các bộ phận thường xuyên bị phơi nắng như mặt, bàn tay, cẳng tay và tai. Tuy nhiên, không vì thế mà tránh hoàn toàn ánh nắng. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo vào mùa hè mỗi người chỉ cần để lộ tay và mặt dưới ánh nắng mặt trời khoảng 10 phút là đủ. Mùa đông đi bộ ngoài trời 30 phút đã có thể bổ sung đầy đủ lượng vitamin D cần thiết cho cơ thể. Nếu bạn tập thể dục ngoài trời, tốt nhất tránh tiếp xúc với ánh nắng từ 10h đến 16h. Nếu phải ra ngoài vào khoảng thời gian này, nên che kín cơ thể với mũ và quần áo dài, tốt nhất nên bôi thêm kem chống nắng.

Theo VNexpress

Tin cùng loại

Bình luận