Thức khuya ảnh hưởng sức khỏe khi về già
Người hay làm việc khuya và thức đêm có thể bị bệnh tiểu đường và nhiều bệnh khác khi bước sang tuổi trung niên - Theo nghiên cứu mới nhất của Hàn Quốc trên tạp chí Journal of Clinical, Endocrinology & Metabolism.
Nghiên cứu được thực hiện dựa trên khảo sát, đánh giá về chu kỳ ngủ - thức, chất lượng giấc ngủ, thói quen sống, mẫu máu, khối lượng mỡ, nạc cơ thể của 1.620 người trong độ tuổi từ 47 - 59 tại Hàn Quốc.
Theo đó, các nhà khoa học nhận thấy rằng những người hay thức đêm có nhiều khả năng có chất lượng giấc ngủ kém và hành vi không lành mạnh như hút thuốc lá, lối sống ít vận động hoặc ăn muộn vào ban đêm so với những người đi ngủ sớm.
Thức khuya dẫn đến bệnh tiểu đường và nhiều bệnh khác khi về già.
Những “cú đêm” có xu hướng trẻ hơn nhưng đồng thời lại có nhiều nguy cơ có tỷ lệ mỡ và hàm lượng triglyceride (chất béo trung tính) trong cơ thể hoặc chất béo trong máu cao. Họ có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 và hội chứng chuyển hóa (một tập hợp các triệu chứng gồm cao huyết áp, lượng đường trong máu cao, quá nhiều mỡ bụng và nồng độ cholesterol bất thường) cao gấp 1,7 lần so với người có thời gian đi ngủ hợp lý.
Không những vậy, người hay thức đêm còn có nguy cơ mắc bệnh sarcopenia (chức năng và khối lượng cơ bắp bị rối loạn và thu hẹp) cao gấp 3,2 lần.
Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những “cú đêm” là nam giới thì mức độ ảnh hưởng sức khỏe của việc thức đêm cao hơn nữ giới. Ngoài ra, những rủi ro sức khỏe vẫn giống nhau ngay cả khi “cú đêm” có số giờ ngủ tương đương với những người đi ngủ sớm.
Tiến sĩ Nan Hee Kim, trưởng nhóm nghiên cứu, đồng thời là bác sĩ chuyên khoa nội tiết tại Bệnh viện Ansan thuộc Đại học Hàn Quốc cho biết: “Những kết quả trên cho thấy tầm quan trọng của nhịp sinh học trong sự điều chỉnh trao đổi chất. Việc “cú đêm” phổ biến ở lứa tuổi trẻ càng khiến những phát hiện này trở nên quan trọng hơn”.
Đồng hồ sinh học của một người được xác định chủ yếu bởi di truyền, tuổi tác, giới tính và môi trường ngủ, nhưng nó có thể được thay đổi bởi những yếu tố như ánh sáng, tập thể dục và hành vi ăn uống.
Những “cú đêm” muốn thay đổi giờ đi ngủ sớm hơn có thể hạn chế tiếp xúc với ánh sáng vào ban đêm và vận dụng những mẹo để dễ chìm vào giấc ngủ.
Theo Livescience
Tin cùng loại
- Những thực phẩm chống rụng tóc hiệu quả
- Những căn bệnh ngày càng xuất hiện nhiều ở giới trẻ
- Mẹo giữ sức khỏe những ngày đi phượt
- Trầm cảm dễ xảy ra ở người thức khuya dậy muộn
- Tác hại không ngờ của thói quen đeo kính râm hàng ngày
- Cách tăng cường trao đổi chất mà không cần tập thể dục
- Tại sao người trưởng thành vẫn mắc bệnh đái dầm
- Tuyệt chiêu trị táo bón cho mẹ bầu từ Nhật Bản
- Những bộ phận của bạn đang lão hoá từng ngày
- 4 căn bệnh đau cột sống thường gặp ở người trưởng thành