Són tiểu - bệnh khó nói của phụ nữ

Chưa có một thống kê cụ thể về bệnh són tiểu (rỉ tiểu) tại Việt Nam, nhưng theo ước tính của các bác sĩ Trung tâm phục hồi chức năng Bệnh viện (BV) Bạch Mai, số người mắc chứng bệnh này chiếm 1/3 bệnh nhân đến điều trị tại đây. Phụ nữ là đối tượng có tỷ lệ mắc bệnh khá cao.

Đóng bỉm mỗi khi ra ngoài

Tại Trung tâm phục hồi chức năng của BV Bạch Mai, lượng bệnh nhân đổ về đây kín những hàng ghế phòng chờ. Đơn vị động học và phục hồi chức năng tiết niệu - sinh dục của Trung tâm bố trí một phòng nhỏ dành cho bệnh nhân đến điều trị các chứng bệnh tiết niệu.
 

Âm thầm chịu đựng nhiều năm nay, đến khi không chịu được chứng són tiểu, bà Trần Thị T., 69 tuổi, ở Bắc Ninh mới giãi bày nỗi khổ “Tôi bị chứng rỉ tiểu vài năm rồi. Lúc đầu, tôi không để ý, nhiều lúc đi ra ngoài có việc, về thấy quần ướt mới biết nước tiểu rỉ ra. Khi tôi ho cũng rỉ tiểu. Từ đó, mỗi lần đi xa, đi tập thể dục, tôi phải mang bỉm theo. Khó chịu, xấu hổ lắm".
 

Bệnh nhân Lê Thu H. (51 tuổi Hưng Yên) gặp triệu chứng đi tiểu, gấp, nhiều lần, són tiểu. Mỗi lần muốn đi tiểu, chưa kịp đi đã són ra quần, ban đêm đi tiểu vài lần làm ảnh hưởng đến giấc ngủ. Từ ngày mắc bệnh, bà H. chẳng dám đi đâu lâu và xa. Sinh hoạt trong cuộc sống bị ảnh hưởng nhiều. Các bác sĩ xác định bệnh nhân H. bị bàng quang tăng hoạt gây nên chứng són tiểu. Chỉ sau sáu tuần, bệnh nhân cho biết đã có những cải thiện rõ rệt. Số lần đi tiểu giảm, ban đêm chỉ tiểu một lần.
 


 

Xóa đi mặc cảm

TS Đỗ Đào Vũ, đơn vị động học và phục hồi chức năng tiết niệu - sinh dục, Trung tâm phục hồi chức năng cho biết thêm, số người mắc chứng bệnh này chiếm 1/3 bệnh nhân đến điều trị tại đây. Một nghiên cứu về bệnh són tiểu trên thế giới cho thấy, 16% dân số châu Âu mắc chứng bệnh này, tại Mỹ con số này là 16,5%.
 

Tuy không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe, nhưng chứng này có thể làm giảm chất lượng sống. Són tiểu có thể gặp ở bất kỳ đối tượng nào, đặc biệt phụ nữ. Khi ho, hắt xì hay làm một động tác nào đó làm tăng sức ép vào bàng quang hay nhiễm trùng đường tiểu, hoặc táo bón kinh niên, tổn thương của vùng chậu, xạ trị, hoặc do một số bệnh của hệ thần kinh… đều có thể gây tình trạng són tiểu. Bên cạnh đó, rượu, cà phê và một số loại thuốc cũng có thể là nguyên nhân hoặc góp phần gây ra chứng tiểu són.
 

“Ở phụ nữ trẻ, nguyên nhân phổ biến nhất là do thiếu sự nâng đỡ ở cổ bàng quang (nơi tiếp giáp của bọng đái với niệu đạo). Ở phụ nữ lớn tuổi, thường là do suy giảm chức năng của bàng quang, suy giảm nội tiết tố. Đàn ông bị són tiểu thường do viêm tiền liệt tuyến hoặc sau khi giải phẫu tiền liệt tuyến, hoặc mắc bệnh tiểu đường…”, TS Vũ nói.
 

Người bị són tiểu có thể điều trị bằng một số phương pháp như thay đổi hành vi, thói quen đi tiểu, vệ sinh ăn uống kết hợp với luyện tập thể thao và giảm cân. Bác sĩ sẽ có hướng điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp không xâm lấn, cụ thể là phục hồi chức năng như kích thích thần kinh chày sau, dùng thuốc nhóm kháng Muscarin, phản hồi ngược sinh học (Biofeedback), bài tập Kegel, tập bằng dụng cụ… Với những trường hợp sau khi điều trị bằng những cách trên vẫn không đỡ thì buộc phải phẫu thuật, nhưng cũng đơn giản và không nguy hiểm.
 

Tin cùng loại

Bình luận