Sang thương bóng nước trên da trẻ em

Một số bệnh lý là các sang thương dạng bóng nước nổi trên da ở trẻ em. Cần phải phân biệt và chẩn đoán đúng của từng bệnh lý biểu hiện trên da của trẻ.

Trên thực tế, các sang thương dạng bóng nước thường gặp ở trẻ bao gồm: bệnh tay chân miệng, thủy đậu, nhiễm trùng da, zona và bệnh dị ứng da.
 
Bệnh tay chân miệng
 
Đây là một bệnh lý nhiễm trùng do các virút lây truyền qua đường ruột, do Enterovirus gây nên. Biểu hiện lâm sàng của bệnh gồm sốt và tổn thương da niêm dạng bóng nước trên nền hồng ban ở những vị trí đặc biệt. Đó là niêm mạc miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, bàn tay, bàn chân, đầu gối và mông.
 
Đặc điểm sang thương dạng bóng nước ở trẻ bệnh tay chân miệng
 
Các bóng nước này có kích thước nhỏ từ 2 - 10mm, dịch trong đôi khi hơi đục. Khi bóng nước lành không để lại sẹo. Bóng nước ở niêm mạc miệng, lưỡi diễn tiến nhanh chóng thành vết loét. Thường trẻ bú ít, ăn ít vì đau, trẻ hay quấy khóc, chảy nước bọt liên tục, do đau trẻ không nuốt được nước bọt.

Chẩn đoán xác định tìm kháng thể, phân lập virút. Thông thường sau 7 - 10 ngày trẻ tự khỏi. Nhưng trong một số trường hợp nặng gây biến chứng thần kinh như: viêm màng não, tổng thương não, yếu liệt chi. Biến chứng hô hấp tuần hoàn. Trên lâm sàng bệnh tay chân miệng chia làm 4 độ, từ nhẹ đến nặng.

 
 
 
Hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, điều trị hỗ trợ. Điều trị ngoại trú khi trẻ ở mức độ I, còn lại từ độ II trở đi trẻ phải nhập viện.
Thuốc điều trị bao gồm: hạ sốt giảm đau bằng Acetaminophen, Paracetamol, thuốc an thần Phenobarbital, chlopheramin, thuốc kháng sinh Cefotaxim, Ceftriaxon khi trẻ có biến chứng nhiễm trùng. Dùng kháng thể Immunoglobulin truyền tĩnh mạch. Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh đặc hiệu.

Áp dụng các biện pháp phòng ngừa đối với bệnh lây qua đường tiêu hóa, đặc biệt chú ý tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây. Cách ly bệnh. Mang khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay trước và sau khi chăm sóc trẻ. Khử khuẩn bề mặt, giường bệnh, buồng bệnh bằng Cloramin B 2%. Lưu ý khử khuẩn các ghế ngồi của trẻ. Xử lý chất thải, quần áo, khăn trải giường của trẻ. Phòng bệnh tại nhà: vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt). Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10 - 14 ngày đầu của bệnh.
 
Bệnh thủy đậu
 
Đây là bệnh ngoài da do virút Varicella Zoster gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp. Biểu hiện lâm sàng trẻ sốt, mệt mỏi, biếng ăn và phát ban (thường là dấu hiệu đầu tiên của bệnh). Ban thủy đậu thường dưới dạng những chấm đỏ lúc đầu, sau đó phát triển thành bóng nước, vỡ ra thành vết lở, rồi đóng vảy. Thường phát ban đầu tiên ở da đầu, xuống thân mình (nơi ban trổ nhiều nhất), sau cùng xuống đến tay chân. Ban thủy đậu thường rất ngứa. Thủy đậu có thể gây biến chứng. Khi các bóng nước vỡ ra và bị nhiễm trùng có thể gây sẹo xấu. Tổn thương thần kinh trung ương bao gồm những rối loạn ở tiểu não (rối loạn thất điều tiểu não, chóng mặt, run, rối loạn ngôn ngữ), viêm não (nhức đầu, co giật, rối loạn ý thức), tổn thương thần kinh (liệt thần kinh) và hội chứng Reye (kết hợp tổn thương gan và não khả năng gây tử vong, có thể xảy ra do dùng Aspirin ở trẻ em).
 
Điều trị bệnh thủy đậu về nguyên tắc chung: cho trẻ cách ly để phòng lây lan, điều trị triệu chứng và biến chứng, xử lý tốt các nốt bóng nước, loét tránh bị bội nhiễm. Điều trị, chống ngứa bằng chlopheramin, phenergan. Có thể dùng Acetaminophen (Tylenol) hay Paracetamol để giảm sốt và đau nhức. Chống chỉ định tuyệt đối không dùng Aspirin. Tắm thường xuyên bằng nước ấm và xà phòng trung tính sẽ bớt ngứa. Ngoài ra, có thể bôi lên da các dung dịch làm dịu và làm ẩm như: dung dịch xanh methylen, calamine. Dùng kháng sinh chỉ khi nghi ngờ có biểu hiện bội nhiễm. Dùng thuốc kháng virút Acyclovir. Hiện tại vẫn chưa có thuốc đặc trị bệnh thủy đậu ở trẻ, chỉ có biện pháp bệnh, bằng cách tiêm vắc-xin ngừa thủy đậu. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất.Vắc-xin đã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao trên 97% và kéo dài trong suốt cuộc đời. Lịch tiêm ngừa cho trẻ là mũi 1 cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên, tiêm mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 thời gian là 6 tuần trở đi.
 
Bệnh nhiễm trùng da
 
Trong thực tế bệnh nhiễm trùng da xảy ra ở trẻ nhỏ vào mùa hè nắng nóng. Có hai loại nhiễm trùng da gây ra do tụ cầu và do liên cầu, mắc bệnh có thể riêng lẻ hoặc cùng phối hợp cả hai loại vi trùng. Các dạng nhiễm trùng da ở trẻ nhỏ là nhọt và chốc. Nhọt là tình trạng viêm toàn bộ nang lông và tổ chức chung quanh làm hoại tử cả một vùng. Nhọt thường trải qua các giai đoạn như: cứng, sưng, nóng, đỏ, đau, dần dần nhọt mềm nhũn vỡ ra chảy nước và trở thành sẹo. Khi nổi nhọt thường kèm theo sốt cao, có thể kèm viêm hạch ở vùng kế cận. Vị trí hay gặp nhọt là ở vùng sau gáy, lưng, mông.
 
 
 
Chốc là bệnh nhiễm trùng da nguyên phát thường gây ra do liên cầu trùng, sau đó có thể phối hợp với tụ cầu trùng. Chốc thường gặp ở trẻ em và hay xuất hiện ở đầu, mặt, cổ. Bệnh khởi phát bằng một bóng nước trong hơi dẹp, tròn đều, chung quanh có quầng viêm hoặc khởi phát bằng một dát hồng trên đó sẽ nổi một bóng nước. Sau vài giờ, bóng nước đục dần có mủ rồi sẽ vỡ, đóng mày màu vàng giống màu mật ong; dưới lớp mày là một vết trợt đỏ, rớm dịch, thương tổn nằm cạn ở dưới lớp sừng. Bệnh có thể lây lan qua các vùng kế cận, có thể gây viêm hạch bạch huyết và viêm cầu thận. Bệnh chốc sau khi lành thường để lại dát thâm kéo dài.
 
Điều trị bệnh nhiễm trùng da
 
Luôn giữ da cho trẻ sạch sẽ, hàng ngày tắm  và dùng xà bông dạng trung tính dành cho trẻ nhỏ, giữ cho da trẻ khô thoáng, mặc quần áo cho trẻ loại vải cotton thấm mồ hồi tốt. Dinh dưỡng cho trẻ đầy đủ 5 thành phần: chất đạm, đường, béo, vitamin muối khoáng và chất xơ. Tránh cho trẻ ăn quá nhiều chất ngọt như bánh kẹo. Sử dụng các dung dịch sát trùng da như betadin, povidine, milian để chấm trên các nốt sang thương da của trẻ. Dùng thuốc kháng sinh phổ rộng khi có nhiễm trùng da nặng như loại kháng sinh cephalosporin thế hệ thứ 3: cifixim, cefotaxim. Hoặc loại kháng sinh nhóm macrolid: erythromycin, vancomycin.
 
Bệnh zona
 
Còn gọi là bệnh giời leo là kết quả của sự tái hoạt động của virút herpes zoster (varicella-zoster virus). Virút này cũng chính là tác nhân gây ra bệnh thủy đậu ở trẻ em. Chưa ai biết được chính xác nguyên nhân vì sao virút thủy đậu lại có thể tái hoạt động và gây ra bệnh zona. Một số các yếu tố thuận lợi có thể gây ra như: trẻ bị stress, mệt mỏi kéo dài, dinh dưỡng kém, dùng các loại thuốc corticoid, thuốc kháng sinh, thuốc điều trị chống thải mảnh ghép kéo dài, tia xạ… Bệnh zona gây tổn thương lên dây thần kinh. Bệnh zona khởi đầu là những mụn rộp (mụn nước) trên nền da màu đỏ, những mụn nước mới tiếp tục hình thành từ 3 - 5 ngày. Mụn nước này thường đi theo đường dây thần kinh của tuỷ sống, sau 7 - 10 ngày mụn nước vỡ chảy dịch rồi khô đóng vảy. Sau 2 - 3 tuần, mụn nước sẽ biến mất và vảy rơi ra và có thể để lại sẹo.
 
Bệnh zona có thể lây truyền từ trẻ bị nhiễm sang trẻ  mà những trẻ này trước đây không mắc bệnh thủy đậu. Thay vì bị zona, nhưng những trẻ này lại mắc bệnh thủy đậu. Một khi những trẻ này đã mắc bệnh thủy đậu thì trẻ sẽ không bị nhiễm zona từ trẻ khác. Tuy nhiên, một khi đã bị nhiễm zona, trẻ lại có khả năng bị zona lại sau này trong cuộc đời. Khi tất cả những mụn nước đã khô thì không còn khả năng lây được nữa. Điều trị bệnh zona: dùng thuốc kháng histamine để giảm ngứa và thuốc paracetamol, acetaminophen, để giảm đau cho trẻ. Giữ cho khu vực sang thương được sạch sẽ bằng rửa xà bông nhẹ và nước. Mặc quần áo rộng thuốc kháng virút, như acyclovir (zovirax), valacyclovir (valtrex) và famciclovir (famvir), có thể làm giảm thời gian phát ban và đau, cần dùng thuốc sớm ở đầu giai đoạn phát bệnh.
 
Bệnh dị ứng da
 
Mẩn ngứa ở trẻ nhỏ là một bệnh viêm da thường thấy, mẩn ngứa có thể do nhiều nguyên nhân gây nên trong đó phải kể đến thời tiết. Trẻ có thể bị mẩn ngứa trên mặt, chân tay, lưng hoặc toàn thân. Sau khoảng một thời gian, trên da trẻ nổi những nốt mẩn như hạt gạo, sau đó hình thành những mọng nước. Rồi những mọng nước này vỡ ra, chảy nhiều nước vàng và đóng vảy. Lúc này, trẻ rất ngứa, thường xuyên quấy khóc, không ăn ngủ được ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển thể lực. Bệnh dị ứng da được xếp thể bệnh miễn dịch dịch thể. Là loại bệnh liên quan các yếu tố bên ngoài khi cơ thể tiếp xúc tác nhân như bụi, phấn hoa, hóa chất, mỹ phẩm, xà bông, phấn rôm, dầu thơm, thức ăn. Đặc biệt các loại thức ăn có trọng lượng phân tử cao trong các loại thịt: thịt bò, tôm, cua, cá biển, các loại ốc sò… hay các loại thuốc,  bằng đường da, niêm mạc, đường tiêu hóa, đường hô hấp và đường tiêm thuốc.
 
Điều trị, bệnh dị ứng da bao gồm nhiều phương pháp phối hợp và hỗ trợ nhau. Giữ cho da trẻ luôn sạch sẽ, tắm gội cho trẻ hàng ngày bằng nước sạch không nên dùng các loại xà bông mà có thể dùng cây, lá và trái khổ qua nấu nước tắm cho trẻ. Cho trẻ mặc quần áo thoáng mát, vải mềm thấm mồ hôi.
 
Đối với những người đang cho con bú cũng cần kiêng các loại thức ăn có khả năng gây dị ứng cho đến khi trẻ hoàn toàn khỏi mẩn ngứa. Khi trẻ đã bị mẩn ngứa thì nên ăn chế độ lạt để không tích lũy quá nhiều nước và muối trong cơ thể. Chỉ nên dùng dầu thực vật vì có thể tăng thêm acid béo không bão hòa, giảm bớt phát sinh mẩn ngứa.
Khi trẻ bị dị ứng, dùng các loại thuốc thoa tại chỗ như phenergan 1%, trường hợp dị ứng da có nhiễm trùng, có thể thoa xanh methylen. Thuốc uống dùng chlopheramin.
 
Không nên cho trẻ em tiếp xúc với các con vật nuôi trong nhà. Trong gia đình khi có trẻ em bị bệnh dị ứng da, thì không nuôi các loại con vật như: chó, mèo, thỏ…vì lông các con vật rơi ra bay trong không khí, trẻ hít phải hay trẻ tiếp xúc, có thể gây dị ứng
 
Theo BS. Nguyễn Thuận Hải/ Suckhoedoisong

Tin cùng loại

Bình luận