Tắm nắng cho con như thế nào?

Có rất nhiều điều về tắm nắng cho con mà không phải mẹ nào cũng biết!

Vì sao phải tắm nắng?

Tại Trung tâm khám tư vấn dinh dưỡng - Viện Dinh Dưỡng Quốc gia, mỗi ngày các bác sĩ thường tiếp xúc với rất nhiều trẻ em bị còi xương do thiếu vitamin D.

Tắm nắng là phương pháp dùng ánh sáng mặt trời buổi sáng sớm tiếp xúc trực tiếp lên da để tổng hợp vitamin D. Vitamin D đóng vai trò quyết định trong việc thành lập và tăng trưởng xương của trẻ em do làm tăng hấp thu can-xi và phot-pho ở niêm mạc ruột.

80% vitamin D được tổng hợp ở da dưới tác dụng của tia cực tím tiếp xúc trực tiếp lên da. 20% vitamin D còn lại có từ sữa mẹ và thức ăn (thịt, dầu cá thu, cá mòi, trứng, bơ, nấm, đậu, vv…). Thiếu vitamin D sẽ gây giảm hấp thu calci. Hậu quả là làm giảm calci trong máu khiến bé bị còi xương, biến dạng xương. Vì vậy để phòng còi xương cho bé, các mẹ nên cho bé tắm nắng hàng ngày.
 

Bé mấy tháng tuổi mới được tắm nắng?

Có thể các mẹ sẽ rất bất ngờ, nhưng theo các bác sĩ, trẻ em từ 2 tuần tuổi trở đi là đã cần phơi nắng.

Tắm nắng cho con như thế nào?
 
Ở nước ta các bà, các mẹ thường có thói quen bao bọc, ủ ấm trẻ sơ sinh quá kỹ, khiến cho bé ít có cơ hội được tiếp xúc với không khí trong lành bên ngoài. Do đó, tỷ lệ trẻ còi xương của bé nước ta vẫn khá cao.
 

Tắm nắng như thế nào là tốt nhất?

Vào sáng sớm, lúc mặt trời mọc chưa nóng (thường từ 7h đến 9h, về mùa hè nên tắm nắng từ 6h30 đến 7h30, không nên tắm nắng buổi chiều). Chọn nơi thoáng mát, sạch sẽ, nhiều ánh sáng mặt trời để tắm nắng cho bé. Thoạt đầu, có thể vén áo, quần để tắm nắng tay, chân và mông trẻ, sau đó tuỳ tiết trời dần dần mở rộng phạm vi để hở da thịt trẻ.

Về mùa đông, buổi sáng thường ít nắng và nhiều gió, các mẹ có thể tranh thủ cho bé tắm nắng từ 16h – 17h chiều.
 

Nên tắm nắng trong bao lâu?

Lúc đầu chỉ nên tắm nắng trong vài phút đều đặn mỗi ngày, sau tăng dần, khi trẻ được 3 tháng trở lên có thể tắm nắng trong khoảng nửa giờ. Trung bình yêu cầu 2 tiếng/tuần hay 10-15 phút/ngày tùy vào khả năng phơi nắng của trẻ và mức độ phát triển xương vận động (nếu trẻ ít ốm hoặc trẻ có biểu hiện của chớm còi xương có thể phơi nắng lâu hơn).

Tắm nắng cho con như thế nào?
 
Chú ý tránh tắm nắng cho trẻ nơi gió lộng. Cả mẹ và bé cùng tắm nắng để tạo cảm giác thân thương, gần gũi (nựng nịu, cho bé bú; đến thời điểm phát triển phù hợp, tập cho bé ngồi, đỡ tay cho bé đi, chơi đùa cùng bé…), giúp bé thích thú khi bé tắm nắng.
 

Chú ý điều gì sau khi tắm nắng cho bé?

Sau khi tắm nắng phải kịp thời lau khô mồ hôi, cho trẻ uống một chút nước bổ sung. Nếu là mùa hè, tốt nhất là tắm ngay sau khi tắm nắng.
 

Một số lưu ý các mẹ không thể không đọc khi tắm nắng cho con:

- Nên để hở chân, tay của trẻ dưới ánh nắng non.
- Tránh để ánh nắng chiếu thẳng vào mặt và đầu trẻ, nên cho trẻ đội mũ.
- Không nên phơi nắng qua cửa kính vì như thế sẽ không có tác dụng.
- Thời gian tắm nắng quá lâu, từ 30-40 phút trở lên sẽ không tốt cho sức khỏe của trẻ
- Ngay cả trong mùa đông vẫn có thể tắm nắng cho trẻ nếu trời có nắng. Tuy nhiên, nên tránh những ngày thời tiết bất thường hoặc vào thời điểm giao mùa.

Tin cùng loại

Bình luận