Dấu hiệu nhận biết và cách chăm sóc bệnh nhân thủy đậu

Cũng giống như sởi và một số bệnh do virus khác, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông-xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân. Người bị thủy đậu nếu không được chăm sóc và chữa trị đúng cách sẽ dễ dẫn đến biến chứng nguy hiểm...

Bệnh thủy đậu “vào mùa”

Tại khoa Nhi, BV Bạch Mai vẫn tiếp nhận bệnh nhi bị thủy đậu, trung bình 10 người/ngày; khoa Khám bệnh, BV Da Liễu Hà Nội mỗi ngày tiếp nhận khoảng 1-3 bệnh nhân thủy đậu.

Tính chung cả khoa Khám bệnh, ước chừng mỗi ngày tiếp nhận trên dưới 20 bệnh nhân thủy đậu vào khám, điều trị.Đáng chú ý, trong số những bệnh nhân thủy đậu đến khám tại BV Da liễu Hà Nội ở vụ dịch năm nay, không chỉ trẻ em mà còn có khá nhiều người lớn, ở nhiều độ tuổi khác nhau cũng mắc bệnh. Đa số người mắc chưa được tiêm vắc-xin phòng thủy đậu.

Cho đến nay chưa ghi nhận nhiều bệnh nhân bị thủy đậu biến chứng nặng mà chủ yếu là những trường hợp nhẹ, được chỉ định điều trị ngoại trú.
 

PGS-TS. Nguyễn Tiến Dũng, trưởng khoa Nhi, BV Bạch Mai cho biết: Bệnh thủy đậu tiến triển nhanh, đến ngày thứ 4 hoặc ngày thứ 6 thì nốt đậu đóng vẩy. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn trẻ mắc thủy đậu nhập viện trong tình trạng viêm phổi nặng do bội nhiễm vi khuẩn liên cầu, tụ cầu. Nguyên nhân do trẻ gãi nhiều và không được chăm sóc vệ sinh chu đáo... các nốt phỏng bị bội nhiễm khiến trẻ viêm da nặng, biến chứng viêm cầu thận cấp tính hoặc nhiễm khuẩn máu do vi khuẩn tụ cầu.

Theo bác sĩ Hồ Thị Hoài Thu, khoa Khám bệnh, BV Da Liễu Hà Nội, bệnh thủy đậu là một bệnh rất dễ lây, dễ bùng phát thành dịch. Cũng giống như sởi và một số bệnh do virus khác, thủy đậu thường bùng phát vào mùa đông-xuân hàng năm, kéo dài cho tới hết mùa xuân.


Dấu hiệu, biến chứng, cách chăm sóc người bị thủy đậu

Bệnh thủy đậu (hay theo cách gọi của dân gian là bênh trái dạ) do siêu vi Varicella zoster gây ra. Biểu hiện chính của bệnh là các tổn thương dạng bóng nước trên da và niêm mạc. Sau khi siêu vi xâm nhập cơ thể, phải qua thời gian khoảng 10-20 ngày (gọi là thời kỳ ủ bệnh) người bệnh mới xuất hiện các triệu chứng của một người nhiễm siêu vi (sốt, đau đầu, uể oải, chán ăn...). Lúc này, trên da người bệnh có thể xuất hiện những hồng ban có đường kính vài milimet và sau 1-2 ngày mới xuất hiện nốt đậu. Đa số nốt đậu có đường kính dưới 5mm, tuy nhiên cũng có nốt đậu có đường kính tới 10mm. Nốt đậu nổi nhiều là dấu hiệu cảnh báo bệnh có thể diễn tiến nặng.

Mụn bóng nước lúc đầu chứa một chất dịch trong, khoảng 1 ngày sau trở nên đục như mủ rồi 2-3 ngày kế tiếp thì vỡ ra, các mụn sẽ đóng vẩy.

Biến chứng thường gặp nhất là bị nhiễm trùng tại các nốt đậu. Những người bị biến chứng này nếu không chữa trị kịp thời, tổn thương sẽ ăn sâu, lan rộng nên cho dù được chữa khỏi vẫn có thể để lại nốt sẹo rỗ gây mất thẩm mỹ, nặng hơn còn dẫn đến viêm mô tế bào, nhiễm trùng máu. Ngoài ra, người mắc bệnh thủy đậu còn có thể bị biến chứng viêm phổi, viêm não...
 

 
Biến chứng viêm phổi hay gặp ở người lớn hơn là trẻ em và thường xuất hiện vào ngày thứ 3-5 của bệnh. Viêm phổi có thể diễn tiến nhẹ, hồi phục nhưng cũng có thể diễn tiến nặng dẫn tới suy hô hấp, phù phổi... và nguy hiểm tính mạng. Riêng trường hợp bị viêm não, tỉ lệ tử vong chiếm 5-20%, ngay cả khi được cứu sống vẫn có thể để lại di chứng nặng nề hoặc phải sống đời thực vật trong suốt tháng ngày còn lại.
 
Cũng theo các bác sĩ, người mẹ mắc bệnh thủy đậu khi mang thai dưới 20 tuần sinh con ra sẽ có một tỉ lệ nhỏ (khoảng 2%) bị hội chứng thủy đậu bẩm sinh. Các biểu hiện của hội chứng này có thể là: sẹo da, nhẹ cân, các bệnh về mắt (đục thủy tinh thể, tổn thương võng mạc...), tay chân ngắn, đầu bé, chậm phát triển tâm thần...
 
Với những người mẹ bị thủy đậu trong khoảng thời gian trước sinh năm ngày đến sau sinh 48 giờ, trẻ sinh ra dễ mắc bệnh thủy đậu chu sinh và có tỉ lệ tử vong cao (khoảng 30%).
 

Phòng ngừa bệnh Thủy đậu

Bệnh thủy đậu lây truyền rất nhanh. Bệnh nhân có thể lây bệnh cho người khác 5 ngày trước và sau khi phát ban và không còn lây lan nữa khi các mụn nước đã khô vảy. Bệnh còn có thể lây truyền gián tiếp qua tiếp xúc với quần áo hoặc các vật dụng khác đã nhiễm dịch tiết từ các vết mụn phồng giộp của người bệnh.

Mọi người đều có thể chủ động phòng bệnh thủy đậu bằng cách tiêm vắc xin phòng bệnh. Đây là biện pháp an toàn và hiệu quả nhất. Vắc xinđã được chứng minh là có hiệu quả bảo vệ cao (trên 97%) và kéo dài trong suốt cuộc đời. Theo Trung tâm Y tế Dự phòng Đà Nẵng, lịch tiêm vắc xin phòng bệnh thủy đậu cụ thể như sau:

- Tiêm mũi 1 cho mọi đối tượng từ 12 tháng tuổi trở lên.
- Tiêm mũi 2 nhắc lại cách mũi 1 thời gian là 6 tuần trở đi (không được tiêm 2 mũi cách nhau 4 tuần).
 

Lưu ý:

- Không tiêm vắc xin thuỷ đậu cho phụ nữ đang mang thai.
 

 
- Phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 đến 49 tuổi) nên tiêm vắc xin thủy đậu trước khi mang thai 3 tháng.
 
Ngoài Trung tâm Y tế Dự phòng, mọi người có thể tiêm ngừa vắc xin thuỷ đậu tại các Đội Y tế dự phòng thuộc các Trung tâm Y tế đóng trên địa bàn các quận/huyện.
 
Khi trong gia đình có người bị bệnh thủy đậu, nhằm tránh lây lan cho các thành viên trong gia đình, người bệnh cần được chăm sóc và cách ly như sau:
 

Đối với người bị bệnh thủy đậu cần:

- Nằm trong phòng riêng, thoáng khí, có ánh sáng mặt trời, thời gian cách ly là khoảng 7 đến 10 ngày từ lúc bắt đầu phát hiện bệnh (phát ban) cho đến khi các nốt phỏng nước khô vảy hoàn toàn (người lớn phải nghỉ làm, học sinh phải nghỉ học).
- Sử dụng các vật dụng sinh hoạt cá nhân riêng: khăn mặt, ly, chén, muỗng, đũa.
- Vệ sinh mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 90/00.
- Thay quần áo và tắm rửa hàng ngày bằng nước ấm trong phòng tắm.
- Nên mặc quần áo rộng, nhẹ, mỏng.
- Đối với trẻ em: nên cắt móng tay cho trẻ, giữ móng tay trẻ sạch hoặc có thể dùng bao tay vải để bọc tay trẻ nhằm tránh biến chứng nhiễm trùng da thứ phát do trẻ gãi gây trầy xước các nốt phỏng nước.
- Ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu, uống nhiều nước, nhất là nước hoa quả.
- Dùng dung dịch xanh Milian (xanh Methylene) để chấm lên các nốt phỏng nước đã vỡ.
- Trường hợp sốt cao, có thể dùng các thuốc hạ sốt giảm đau thông thường nhưng phải theo hướng dẫn của thầy thuốc, có thể dùng kháng sinh trong trường hợp nốt rạ bị nhiễm trùng: nốt rạ có mủ, tấy đỏ vùng da xung quanh... Tuyệt đối không được dùng thuốc Aspirin để hạ sốt.
- Nếu bệnh nhân cảm thấy: Khó chịu, lừ đừ, mệt mỏi, co giật, hôn mê hoặc có xuất huyết trên nốt rạ nên đưa đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và điều trị.
 

Đối với người thân trong gia đình:

- Hạn chế tiếp xúc với người bệnh: Khi cần tiếp xúc thì phải đeo khẩu trang. Sau khi tiếp xúc phải rửa tay ngay bằng xà phòng. Đặc biệt những phụ nữ đang mang thai cần tuyệt đối tránh tiếp xúc với người bệnh.
- Vệ sinh phòng ở của người bệnh: Lau sàn phòng, bàn ghế, tủ giường, đồ chơi của người bệnh hàng ngày bằng nước Javel, hoặc dung dịch Cloramin B, sau đó rửa lại bằng nước sạch. Đối với những đồ vật nhỏ có thể đem phơi nắng.

Các bác sĩ khuyến cáo, thủy đậu là một bệnh lành tính nhưng cần được phát hiện sớm và chăm sóc chu đáo, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm như viêm phổi, viêm não và màng não. Bởi vậy, cần căn cứ vào các triệu chứng của bệnh để phát hiện và điều trị kịp thời.

Tin cùng loại

Bình luận