Viêm đường hô hấp ở trẻ - Biểu hiện và phòng ngừa

Bệnh viêm đường hô hấp là căn bệnh rất hay xảy ra ở trẻ, khi thời tiết chuyển mùa, hệ thống miễn dịch cơ thể còn yếu nên dễ mắc các bệnh về đường hô hấp.


Thời tiết giao mùa, nhiệt độ thay đổi thất thường, nắng nóng hanh khô ban ngày và se lạnh buổi tối kèm theo sương mù sáng sớm. Đây là thời điểm thuận lợi làm tăng các bệnh ở trẻ em, nhất là ở những trẻ có hệ miễn dịch yếu, dẫn đến tỷ lệ trẻ mắc các bệnh về đường hô hấp gia tăng.

Đường hô hấp chính là nơi mà nhiều mầm bệnh (vi rút, vi khuẩn) dễ dàng xâm nhập khi trẻ hít thở. Đối với trẻ em, đường thở ngắn và hẹp nên mầm bệnh dễ lây lan hơn. Đặc biệt là trẻ em dưới 5 tuổi, bệnh đường hô hấp thường xuyên tấn công do hệ miễn dịch chưa hoàn chỉnh nên sức đề kháng và khả năng miễn dịch kém. chính vì vậy, trẻ không đủ sức chống đỡ với sự tấn công của các mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài.

Theo thống kê của khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai thì mỗi ngày có hàng chục bệnh nhân nhi nhập viện bị bệnh viêm đường hô hấp.

 
hang chuc tre nhap vien moi ngay vi viem duong ho hap

Theo như PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi, Bệnh viên Bạch Mai cho biết, bệnh liên quan đến đường hô hấp của trẻ gặp nhiều nhất vào lúc chuyển mùa là bị viêm đường hô hấp trên như viêm VA, viêm amiđan, viêm mũi, họng, viêm xoang … Đây là những bệnh có thể xảy ra cấp tính nhưng có thể là bệnh mạn tính, mỗi khi thời tiết chuyển mùa là bệnh xuất hiện.

Ông cũng nhấn mạnh nếu như viêm đường hô hấp trên nếu không chữa trị dứt điểm, rất có khả năng chuyển thành viêm hô hấp dưới (viêm phế quản, viêm phổi), đặc biệt là dạng viêm phế quản, phổi cấp tính.

Trẻ bị viêm đường hô hấp thường  có sốt, ho, chảy mũi nước, hắt xì hơi. Sốt có thể sốt vừa hoặc sốt cao 39 - 40oC, sốt lúc tăng lúc giảm nhưng hầu hết là sốt liên tục, một số trường hợp có thể bị co giật, đặc biệt là trẻ dưới 5 tuổi. Tuy vậy, có một số trẻ bị viêm đường hô hấp nặng nhưng không sốt hoặc sốt không cao, nhất là trẻ em bị còi xương, suy dinh dưỡng. Kèm theo sốt là trẻ ho, quấy khóc, ngủ kém. Ho đôi khi chỉ thúng thắng nhưng nhiều trường hợp trẻ ho sặc sụa cả ngày lẫn đêm. Một số trường hợp trẻ viêm đường hô hấp kèm theo khó thở.

 
kho tho la mot bieu hien cua viem duong ho hap o tre

Nếu chỉ viêm hô hấp trên thì trẻ chủ yếu khó thở do nghẹt mũi nhưng viêm hô hấp dưới, khó thở là do phế quản bị phù nề hoặc do phế quản vừa bị phù nề vừa bị co thắt (viêm phế quản co thắt hay còn gọi là hen phế quản). Biểu hiện của khó thở là tím môi, cánh mũi phập phồng, lõm xương ức hoặc lõm các khe của liên sườn và rối loạn nhịp thở và số lần thở.

PGS. TS Nguyễn Tiến Dũng cũng cho biết thêm, việc uống nước lạnh, nước đá quá nhiều, đặc biệt sử dụng máy điều hòa ở nhiệt độ thấp liên tục… chính là các nguyên nhân khiến trẻ bị nhiễm lạnh, dẫn đến các bệnh liên quan đến đường hô hấp trong thời tiết nắng nóng.

Phòng bệnh hơn chữa bệnh là phương châm đã có từ lâu nay. Để phòng bệnh viêm đường hô hấp lúc chuyển mùa cho trẻ các ông bố, bà mẹ cần quan tâm từ khâu ăn, uống, mặc, lúc chơi và cả khi trẻ ngủ. Không nên cho trẻ ăn uống các loại thức ăn đã nguội, lạnh nhất là uống nước lạnh. Trong sinh hoạt hàng ngày mỗi lần trẻ làm ướt quần áo (trẻ tè ra quần áo), chúng ta cần thay ngay cho trẻ và cần thay bỉm cho trẻ, không cho trẻ nghịch nước.

 
han che cho tre nghich nuoc luc chuyen mua

Thêm một lưu ý nữa đối với các ông bố bà mẹ của chúng ta là hàng ngày nên tập cho trẻ vệ sinh răng miệng nhất là các trẻ lớn, nên súc họng bằng nước muối sinh lý vô khuẩn. Loại nước súc họng này có bán tại các quầy dược phẩm, rẻ tiền, rất tiện lợi, hợp vệ sinh và thông dụng. Cần cho trẻ ăn đủ chất, ngoài ra nên cho trẻ ăn thêm trái cây để có đủ lượng vi chất cần thiết tạo kháng thể chống các tác nhân gây nhiễm trùng. Có như thế thì các em bé của chúng ta sẽ được nâng cao đề kháng để chống chọi lại với môi trường, thời tiết khắc nghiệt như hiện nay, luôn khỏe mạnh để chúng ta có thể yên tâm làm việc phải không! 
 
Theo Bệnh viện Bạch Mai

Tin cùng loại

Bình luận