Việt Nam sẵn sàng thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030

Với những thành quả đã đạt được, cùng gợi ý của các tổ chức nước ngoài, Việt Nam đã sẵn sàng cho việc thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Việt Nam được xếp vào nhóm nước có nguồn lực phòng chống HIV/AIDS thấp. Nhưng với sự hỗ trợ của nhiều tổ chức nước ngoài và đặc biệt là hệ thống phòng chống HIV/AIDS quốc gia, chúng ta đã làm được nhiều việc.

Người ngoài ngành thường nghĩ bệnh do HIV chỉ xuất hiện ở nhóm nguy cơ, phát hiện và điều trị là chính. Thật ra việc phòng ngừa lây lan từ nhóm nguy cơ ra cộng đồng (qua quan hệ tình dục) là rất quan trọng.

Các chương trình can thiệp giảm tác hại đã góp phần kiềm chế tốc độ phát triển của dịch trên các nhóm nguy cơ cao (nghiện chích ma túy, phụ nữ bán dâm và nam có quan hệ tình dục đồng giới) và tất nhiên là sẽ giảm lây lan ra cộng đồng.

Việt Nam sẵn sàng thanh toán đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030
TP.HCM là một trong những địa phương đi đầu trong lĩnh vực này.
 
Tại TP.HCM, nhóm nghiện chích ma túy năm 2002 có tỉ lệ nhiễm đến 82,5%, sau đó giảm nhanh đến năm 2013 chỉ còn 18%; nhóm phụ nữ mại dâm, tỉ lệ nhiễm HIV tăng cao đến 25,9% vào năm 2002, đến năm 2013 chỉ còn 4,67% chính là nhờ chương trình tiếp cận tuyên truyền phòng bệnh, phát bơm kim tiêm, bao cao su và gần đây là cai nghiện ma túy bằng Methadone.

Nhưng hiệu quả và nhân văn nhất là chương trình phòng ngừa lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.
Hằng năm, TP.HCM đã xét nghiệm HIV cho 100.000 phụ nữ mang thai, phát hiện hơn 600 thai phụ nhiễm và điều trị kịp thời khoảng 500 bà mẹ nhiễm, góp phần cứu được 97% những đứa trẻ sinh từ các bà mẹ nhiễm thoát khỏi virút HIV.

Với những thành quả đã đạt được, cùng gợi ý của các tổ chức nước ngoài, Việt Nam đã sẵn sàng cho việc thanh toán đại dịch vào năm 2030.

Để đạt được điều này, chúng ta phải thực hiện chương trình 90 - 90 - 90: cố gắng phát hiện 90 người trong số 100 người nhiễm ngoài cộng đồng, cố gắng điều trị thuốc ARV cho 90 người trong số 100 người phát hiện bệnh và phải điều trị hiệu quả đến 90% cho người tham gia.

Trong khi nguồn lực hỗ trợ từ quốc tế dần rút khỏi chương trình, chúng ta phải dành đủ lực để duy trì sự bền vững những chương trình có sẵn và phát triển thêm các chương trình mới của 90 - 90 - 90. Ba mục tiêu 90 nói trên muốn làm được khi nguồn lực đang giảm chắc chắn phải đòi hỏi nhiều thứ.

Mong chính quyền địa phương phải thấy đây là việc phải làm. Không thể ngừng lại các chương trình giảm tác hại cho các đối tượng nguy cơ.

Tất cả nhân viên y tế, đặc biệt là nhân viên ngoài ngành lây nhiễm cùng đóng góp với mạng lưới có sẵn trong việc phát hiện đúng và giới thiệu bệnh nhân đến các cơ sở để được theo dõi điều trị sớm...
BS. Trương Hữu Khanh

Tin cùng loại

Bình luận