Tâm lý tuổi học sinh

Khi từng bước chuyển dần sang tuổi dậy thì, tinh thần và tâm lý thay đổi. Lứa tuổi học sinh (HS) phổ thông rất “khát” được tham vấn tâm lý để hiểu rõ hơn suy nghĩ bản thân, tiền đề cho bước ngoặc quyết định trong cuộc sống tương lai. Nhưng bởi chính độ tuổi nhạy cảm này mà các bạn ít được tiếp cận với việc tư vấn tâm lý. Vì vậy, các bạn thường gặp khó khăn trong việc biểu hiện tâm lý.

Âm thầm chịu đựng

Theo kết quả khảo sát của nhiều chuyên gia, việc học tậpvà gia đình là những nguyên nhân khiến HS gặp các vấn đề về tâm lý. Theo thạc sĩ Tâm, cao nhất là do sức ép từ gia đình, người thân với 37,4%, cha mẹ chưa hiểu con chiếm 34,7%. Cũng theo khảo sát, trong những trường hợp này, 34,7% HS giải quyết vấn đề tâm lý của mình bằng cách âm thầm chịu đựng. “Đây là phương pháp giải quyết không tích cực”, thạc sĩ Tâm cho biết.
 
Vào tháng 3, thạc sĩ Đỗ Thị Lệ Hằng, Phòng Tâm lý học thực nghiệm Viện Tâm lý học, cũng đã làm một khảo sát tâm lý ở 120 HS Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội). Theo đó, học tập chiếm 80% nguyên nhân dẫn đến căng thẳng tâm lý cho HS, 56,4% do bản thân và nguyên nhân từ gia đình chiếm 44,3%.
 

Chỉ làm cho có

Vào cuối tháng 7 vừa qua, nhiều chuyên gia tâm lý, giáo dục tham dự hội thảo khoa học quốc tế về tâm lý học đường do Trường ĐH Sư phạm TP.HCM tổ chức, cũng nhận định nhu cầu cần được tư vấn tâm lý của HS hiện nay là rất lớn, song nhà trường không thể nào đáp ứng được. Hơn thế, công tác tham vấn tâm lý học đường ở trường phổ thông của nước ta hiện nay còn mang tính tự phát, lẻ tẻ và thiếu chuyên nghiệp.
 
Tâm lý tuổi học sinh
Tuổi học trò thường có nhiều biến động tâm lý bất thường.
 
Các chuyên gia cũng cho rằng, hiện nay các trường chỉ làm cho có hơn nhắm tới mục đích chính là phục vụ HS. Tiến sĩ Phạm Văn Thanh - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Đồng Nai, Phó chủ tịch Hội Tâm lý và giáo dục Đồng Nai, nhận định: “Số trường có phòng tham vấn tâm lý cho HS còn rất hạn chế. Như ở Đồng Nai hiện nay, chỉ có vài ba trường là có trang bị phòng tham vấn tâm lý”. Ở Thanh Hóa, hiện có khoảng 600.000 HS phổ thông nhưng theo thạc sĩ Tâm không có một trung tâm tham vấn tâm lý nào hỗ trợ những khó khăn vướng mắc tâm lý của HS.
 
Tiến sĩ Phạm Văn Thanh cho rằng với thời đại đa truyền thông như hiện nay, HS dễ dàng tiếp cận với văn hóa xấu, dễ gây ra hành động xấu. “Tôi cho rằng tình trạng bạo lực học đường, suy đồi đạo đức trong HS hiện nay cũng chính là do chúng ta không tạo được chỗ dựa tinh thần, không có giải pháp giúp các em giải tỏa những ức chế tâm lý mà ra”, ông Thanh khẳng định.
 

Bắt buộc phải có phòng tham vấn tâm lý

Ông Trần Khắc Huy - Trưởng phòng Công tác học sinh sinh viên, Sở GD-ĐT TP.HCM, cho biết sắp tới, Sở sẽ có quy định bắt buộc gần 400 trường THCS, THPT công lập và ngoài công lập trên địa bàn TP.HCM phải có phòng tham vấn tâm lý học đường. “Các trường sẽ có biên chế cụ thể, được tuyển cán bộ chuyên trách đào tạo từ các khoa tâm lý, hoặc có thể chuyển giáo viên kiêm nhiệm. Theo đó, Sở sẽ bồi dưỡng, tập huấn cán bộ, giáo viên kiêm nhiệm bằng các chuyên đề cụ thể. Ngay trong năm học này chúng tôi sẽ áp dụng”.
Theo Giáo dục Việt Nam

Tin cùng loại

Bình luận