Hiểm họa với dân văn phòng: Hội chứng ống cổ tay.

Bạn đang gõ bàn phím, bạn đang cầm vô lăng, bạn đang lái xe…, đột nhiên, bàn tay tê hẳn đi, mất cảm giác trong giây lát. Bạn cầm điện thoại, một chiếc cốc, quyển sổ…và bỗng đánh rơi mà không làm chủ được hành động của mình. Đó có thể là những biểu hiện của hội chứng ống cổ tay.

Theo các chuyên gia về chấn thương chỉnh hình, những biểu hiện tê tay trên đây thường hay gặp ở người bị hội chứng ống cổ tay (OCT). Hội chứng OCT rất phổ biến, có thể mắc phải ở mọi người, mọi giới và mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, tỉ lệ mắc bệnh ở nữ cao gấp 3 lần nam. Tuổi thường gặp từ 45 - 60 tuổi. 10% trường hợp mắc phải dưới tuổi 30. Với hội chứng này, tuổi càng lớn càng dễ mắc bệnh.

Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Công, Đại học Y Dược TP. HCM, đối tượng dễ mắc hội chứng OCT là những người béo phì, bệnh tiểu đường, suy tuyến giáp, bệnh gout, phụ nữ mang thai, những người sử dụng tay nhiều, làm việc nặng như thợ sửa chữa máy, sửa xe… Những người lao động có động tác lắc cổ tay nhiều cũng dễ mắc bệnh như các bà nội trợ, các chị em tiểu thương. Đó có thể là do chị em hay dùng dao nặng chặt thịt cá hàng ngày, cũng có phần do họ thường xuyên tiếp xúc với môi trường ẩm ướt. Bệnh nhân mắc hội chứng OCT còn có thể do di truyền, chẳng hạn ở một số người có ống cổ tay nhỏ hơn người khác và đặc điểm này có thể mang yếu tố gia đình.

 

Hội chứng ống cổ tay - Dây thần kinh giữa bị chèn ép

Ngoài ra, những công việc nhẹ nhàng nhưng sử dụng tay nhiều, lặp đi, lặp lại như đánh máy, sử dụng chuột vi tính, chạy xe máy, cầm vô lăng ôtô... cũng gây áp lực chèn ép dây thần kinh giữa và vùng OCT. Hội chứng OCT còn có thể là biểu hiện của: các loại viêm đa dây thần kinh, bệnh viêm đa khớp dạng thấp…
 

Chữa sớm, tránh can thiệp phẫu thuật  

Các chuyên gia cho biết, hội chứng OCT xảy ra khi mô xung quanh gân gập sưng lên, làm tăng áp lực, khiến dây thần kinh giữa chèn ép ở cổ tay. Hầu hết hội chứng OCT sẽ trở nên nặng thêm nếu không được điều trị, chỉ một số ít tự khỏi. Triệu chứng phổ biến của hội chứng OCT thường là tê tay, dị cảm và đau bàn tay. Người bệnh cũng có thể có cảm giác như bị châm chích chủ yếu ở ngón tay cái, ngón trỏ, ngón giữa và 1/2 ngón đeo nhẫn hay cảm thấy đau lan lên cánh tay, vai. Các triệu chứng thường bắt đầu dần dần mà không có một chấn thương cụ thể. Trong hầu hết trường hợp, các triệu chứng này chủ yếu biểu hiện ở ngón tay cái của bàn tay.

Các triệu chứng hội chứng OCT có thể xảy ra bất cứ lúc nào, thường xuất hiện vào ban đêm. Ban ngày, triệu chứng thường xảy ra khi đang cầm nắm một vật gì hoặc khi đọc hay lái xe. Di chuyển hoặc lắc tay thường làm giảm các triệu chứng này. BS Nguyễn Xuân Anh (Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM) cho biết, theo thời gian, các triệu chứng xuất hiện nhiều hơn và nặng hơn, bệnh nhân sẽ có cảm giác bàn tay trở nên vụng về, yếu ớt và không còn nhạy bén, khó điều khiển. Tình trạng này có thể khiến bệnh nhân đánh rơi đồ vật đang cầm trên tay, để lâu sẽ xuất hiện teo cơ bàn tay.

 

Phương pháp chẩn đoán bệnh khá chính xác là đo điện cơ (chẩn đoán điện) giúp xác định vị trí thần kinh bị chèn ép là ở cổ tay hay ở khuỷu tay, đồng thời xác định được mức độ thần kinh bị tổn thương ở mức độ nào (nhẹ, trung bình hay nặng cần phẫu thuật). Nếu đã chẩn đoán rõ ràng là hội chứng OCT, thì việc điều trị tê tay sẽ trở nên dễ dàng.

Nếu được chẩn đoán và điều trị sớm, hội chứng OCT có thể thuyên giảm mà không cần phẫu thuật. Trong trường hợp kết quả chẩn đoán ở mức độ nhẹ và trung bình, bác sĩ sẽ sử dụng phương pháp điều trị đơn giản như nẹp vải trong lúc ngủ để giữ cổ tay ở vị trí phù hợp, tránh bị cuộn tròn trong lúc ngủ. Dùng các loại thuốc giảm đau, kháng viêm, bổ dưỡng cho dây thần kinh, hay hệ thống xương sụn.

Trong trường hợp điều trị nội khoa không cải thiện hoặc đã có dấu hiệu teo cơ hoặc kết quả đo điện cơ ở mức độ nặng, bệnh nhân có thể sẽ phải được phẫu thuật bằng cách rạch một đường nhỏ ở cổ tay để giải phóng dây thần kinh ra khỏi OCT. Cách này giúp điều trị triệt để hơn. Thường sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ dần giảm bớt và hết tê tay.

Tùy vào mức độ thần kinh bị tổn thương, thời gian hồi phục sẽ từ 3 tháng, 6 tháng đến 1 năm. Khả năng tái phát sau mổ ít xảy ra. Trong những trường hợp do bệnh nghề nghiệp, bệnh có khả năng tái phát lại nếu người bệnh không tuân thủ liệu trình điều trị. Sau mổ, người bệnh nên có liệu trình tập vật lý trị liệu để giúp vết thương mau lành sẹo, tránh sẹo dính, sẹo đau và kích thích thần kinh mau phục hồi, giảm teo cơ.

 

Phòng ngừa hội chứng ống cổ tay

- Giữ vệ sinh lao động đối với bàn tay, tránh tư thế cầm nắm thường xuyên, tránh động tác lặp đi, lặp lại gập duỗi cổ tay, không dùng chuột vi tính hay gõ bàn phím lâu, dùng miếng lót cổ tay silicon khi dùng bàn phím đánh máy...
- Tập thể dục thư giãn cổ tay bằng cách chống bàn tay lên mặt bàn, gập căng cổ tay giữ vài giây. Có thể tranh thủ tập giữa các giờ làm việc.
- Điều trị các bệnh lý có thể gây hẹp ống cổ tay: Gãy xương vùng cổ tay, viêm khớp, viêm bao hoạt dịch, viêm gân...
- Ngâm tay nước muối ấm, xoa, mát xa vùng cổ tay và các ngón tay.

 
Theo BS Nguyễn Xuân Anh, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TP. HCM
 

Tin cùng loại

Bình luận