Bệnh chàm sữa ở bé sơ sinh

Sự thật về bệnh chàm sữa ở trẻ em và cách điều trị sẽ được "bật mí".

Chàm sữa hay lác sữa là bệnh thường gặp ở trẻ nhỏ. Nguyên nhân gây bệnh vẫn chưa xác định một cách chắc chắn, tuy nhiên bệnh thường gặp ở người có cơ địa dễ dị ứng. Ngoài ra, cha mẹ có bệnh hen suyễn, mề đay, dị ứng da, dị ứng thời tiết… thì con cũng dễ mắc bệnh.

Biểu hiện ban đầu là một vùng da nào đó của trẻ xuất hiện những mảng hồng ban, có mụn nước, đóng mài và tróc vảy. Vị trí thường ở mặt, hai bên má, đối xứng, có thể lan ra da đầu, thân mình, tứ chi… Bệnh rất hay ngứa làm trẻ khó chịu, ngủ không ngon giấc, quấy khóc, bú kém. Nhiều trẻ chịu không nổi gãi liên tục hoặc chà đầu, cọ mặt vào gối cho đỡ ngứa làm mụn nước vỡ ra, da rớm máu, có khi cả một vùng da bị chảy máu.
 
Bệnh chàm sữa ở bé sơ sinh
Thông thường, bệnh chàm sữa ở trẻ sẽ thuyên giảm và có thể tự khỏi.
 

Điều trị

Chàm sữa là một bệnh rất dễ tái phát khi thời tiết thay đổi hoặc ăn, uống những chất gây dị ứng. Do đó, trẻ cần được chăm sóc và điều trị như sau:

Chế độ dinh dưỡng
Tránh những thực phẩm dễ gây dị ứng như: đồ biển, thực phẩm lên men, trứng, đậu phộng…

Vệ sinh cho bé
- Cần giữ vệ sinh cho bé thật cẩn thận để chàm sữa không lan rộng và bị nhiễm trùng. Khi tắm cho trẻ, tránh để trẻ ngâm mình quá lâu trong chậu tắm có chứa xà phòng. Tắm bằng nước ấm sẽ giúp đỡ ngứa.
- Chọn chất liệu quần áo bằng sợi tự nhiên thay vì sợi hóa học vì dễ làm tổn thương làn da nhạy cảm của trẻ.
- Nên mang găng tay cho trẻ nhằm hạn chế trẻ gãi gây chảy máu và nhiễm trùng vết chàm. Giữ môi trường xung quanh thoáng mát, tránh thay đổi nhiệt độ đột ngột, tránh để trẻ đổ mồ hôi ẩm ướt.
 

Dùng thuốc

- Khi tổn thương đang nổi đỏ hoặc chảy dịch thì có thể bôi các loại thuốc dạng dung dịch màu mang tính sát trùng nhẹ như: Milian, Eosin…
- Khi tổn thương da khô, đỏ, tróc vẩy thì có thể bôi các loại kem chứa corticosteroid nồng độ thấp như Eumvat trong thời gian ngắn ( 7 – 10 ngày).
- Khi tổn thương da khô, dầy sừng nhiều thì có thể dùng các loại mỡ chứa corticosteroid  hoặc phối hợp chất tiêu sừng như salicylic acid.
- Không nên tiêm chủng ngừa cho bé, nhất là tiêm chủng đậu mùa vì có thể dẫn đến bệnh mụn mủ dạng thủy đậu. Lúc này, trẻ có biểu hiện sốt cao, sẩn, mụn nước, bóng nước…
- Không dùng kháng sinh liều cao để điều trị chàm sữa, trừ khi bội nhiễm nhưng phải hết sức thận trọng vì dễ gây sốc phản vệ do dùng thuốc.

Cách tốt nhất, bạn nên đưa bé đi khám bác sĩ để nhận được những tư vấn thích hợp. Đặc biệt, tránh tự ý mua thuốc bôi cho bé. Thực tế, đã có một số bà mẹ tự ý ra nhà thuốc mua thuốc bôi nhiều loại, trong đó có corticosteroid, bôi lâu ngày thuốc gây những tác dụng phụ khiến trẻ bị nhiễm nấm, teo da, mất màu da. Ngoài ra, corticosteroid còn có thể khiến chàm lan rộng, nặng thêm và nhiễm trùng, nếu dùng thuốc kéo dài có thể gây suy yếu tuyến thượng thận….
 

Tin cùng loại

Bình luận