Cẩn trọng Tết và viêm loét dạ dày

Ngày Tết là dịp có đầy đủ các yếu tố làm cho cơn đau dạ dày có điều kiện thuận lợi tái phát nếu người bệnh không thực hiện các chế độ ăn uống và sinh hoạt chặt chẽ.

Nguyên nhân của viêm loét dạ dày

Một trong những nguyên nhân gây loét dạ dày là do uống rượu và xuất huyết tiêu hóa là biến chứng thường gặp nhất của viêm loét dạ dày. Biểu hiện thường gặp là ói ra máu và đi cầu phân màu có thể máu đỏ, hoặc màu đen hôi thối.

Chảy máu tiêu hóa ồ ạt có nguy cơ đe dọa tính mạng bệnh nhân nếu không cầm máu được bằng các phương pháp cầm máu thông thường.

Loét xảy ra khi dạ dày người bệnh sản sinh ra quá nhiều acid hoặc khi niêm mạc dạ dày đã sẵn bị tổn thương do một nguyên nhân khác. Sự căng thẳng về thể chất hoặc tinh thần có thể làm nặng hơn một vết loét có sẵn.

Những người từng bị bệnh viêm loét dạ dày nên cẩn thận vì dễ bị tái phát trong dịp Tết do nhiều nguyên nhân: căng thẳng, thức khuya, lo toan chuẩn bị Tết, ăn uống không điều độ, không đúng giờ, ăn uống nhiều chất gây hại cho dạ dày (chua cay, rượu bia).

Triệu chứng viêm loét dạ dày thường gặp nhất là đau rát vùng thượng vị, ợ hơi, ợ chua, xuất hiện khi đói hoặc nửa đêm về sáng, đầy bụng, đau xuyên ra sau lưng, đau lan sang phải.

Cẩn trọng Tết và viêm loét dạ dày
 
Biến chứng của viêm loét dạ dày nặng có thể dẫn tới biến chứng xuất huyết tiêu hóa với các triệu chứng như nôn ra máu, chóng mặt, có máu trong phân, buồn nôn liên tục hoặc nôn mửa hay tái diễn; đau dữ dội, đột ngột ở thượng vị, dù đã uống thuốc chống loét nhưng vẫn không hết đau, có thể làm thủng dạ dày gây đau bụng rất dữ dội.
                                        

Nên làm gì để Tết không bị viêm loét dạ dày hành hạ?

Năm mới là những ngày chúng ta được nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả. Đừng bắt cơ thể chúng ta “phải, phải, phải” quá nhiều, không chỉ làm tái phát bệnh viêm loét dạ dày mà còn làm căng thẳng thần kinh, không có lợi cho cả hệ tim mạch và hệ thần kinh trung ương.

Quan trong nhất, cần nhớ rằng, bệnh viêm loét dạ dày là bệnh có thể bị tái phát và cơ chế gây bệnh liên quan đến chế độ ăn uống. Do đó, dù vui xuân, chúng ta vẫn nên có chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để tránh bị những cơn đau do bệnh viêm loét dạ dày tái phát hành hạ.
Ăn uống điều độ, đúng giờ và thành bữa để dạ dày có lúc nghỉ ngơi. Nên ăn ít các thức ăn xào, rán khó tiêu, nhiều gia vị, dưa, cà, hành muối, các quả chua, chuối tiêu.

Nên hạn chế các chất kích thích, hạn chế rượu, bia, thuốc lá, trà đặc, cà phê. Hạn chế  những thức ăn có mảnh sắc, dai cứng như xương băm, sụn, tôm, cua, cá rán...

Tránh ăn quá nóng, quá lạnh, hay quá no vì ăn nóng quá làm niêm mạc dạ dày sung huyết, lạnh quá làm dạ dày co bóp mạnh hơn dễ gây đau, có khi chảy máu, quá no lại làm dạ dày căng to, co bóp yếu, ảnh hưởng đến quá trình nhào trộn tiêu hoá thức ăn.

Lập nên chế độ sinh hoạt điều độ, không thức quá khuya, không vui chơi quá độ để ảnh hưởng đến sức khoẻ.

Nên phòng chống lạnh tốt, mặc đủ ấm, ngủ ấm, không để cơ thể bị nhiễm lạnh.
Theo Dân Trí

Tin cùng loại

Bình luận