Các bác sĩ tự bảo vệ thế nào trước virus Ebola?

Hai lớp găng tay, đôi ủng dày và chiếc mũ trùm che kín đầu là những trang bị mà các nhân viên y tế phải mang trong cái nóng 30 độ C để tự bảo vệ mình trước loại vi rút chết người.

Nhóm nhân viên y tế tình nguyện đầu tiên do chính phủ Anh huy động sẽ được gửi tới Sierra Leone vào cuối tuần này để tham gia vào nỗ lực toàn cầu nhằm kiềm chế dịch bệnh.

Nhóm gồm 30 người tình nguyện gồm bác sĩ đa khoa, y tá, bác sĩ tâm lý và nhân viên tư vấn y học khẩn cấp.

Sau khi tới thủ đô Freetown của Sierra Leone, họ sẽ hoàn thành khóa tập huấn một tuần trước khi tới các trung tâm điều trị Ebola do Anh xây dựng trên khắp đất nước đang bị dịch bệnh tàn phá này.

Tại đó, các nhân viên tình nguyên sẽ giúp chẩn đoán và điều trị cho các nạn nhân Ebola, căn bệnh đã giết chết hơn 5.000 người – đa số ở Sierra Leone, Liberia và Guinea.
 
B9.jpg
Bộ áo liền quần, sản xuất bởi 4 công ty Anh, được phủ một lớp nhựa đặc biệt để ngăn không cho các chất dịch thấm qua. Phần lớn bộ đồ này sẽ bị đốt sau khi dùng để ngăn vi rút lây lan.
 
Trong cuộc chiến chống lại căn bệnh chết người, các nhân viên y tế được bảo vệ bởi những bộ quần áo đặc biệt do 4 công ty của Anh sản xuất.

Bộ đồ bảo hộ không để hở bất kỳ phần nào trên cơ thể, tạo ra rào cản quan trọng để bảo vệ an toàn các thầy thuốc.

Trang bị bao gồm bộ áo liền quần màu trắng có tráng lớp nhựa đặc biệt ngăn không cho các dịch cơ thể mang vi rút của người bệnh – bao gồm máu, chất nôn và tiêu chảy – thấm qua lớp bảo vệ. Miệng và mắt – hai vùng dễ lây nhiễm nhất, được che bằng khẩu trang và mũ trùm. Mỗi nhân viên y tế sẽ mang 2 găng tay, đôi găng ngoài có vai trò như một lớp che chắn thêm.

Tuy trang bị có mức độ bảo vệ cao chống lại Ebola, song các nhân viên tình nguyện cũng được cảnh báo là phải hết sức cẩn thận khi mặc và cởi quần áo. Việc cởi bỏ bộ đồ bảo hộ theo đúng trình tự là tối quan trọng để giảm nguy cơ lây bệnh. Sau khi cởi bỏ, đa số trang bị sẽ bị đốt và thay mới để giảm hơn nữa nguy cơ lây truyền. Ủng và mũ trùm sẽ được phun chlorine để diệt vi rút.

Làm việc trong môi trường khắc nghiệt, với nhiệt độ có thể trên 30 độ, nên các nhân viên y tế sẽ chỉ làm việc 45 phút mỗi ca để phòng ngừa kiệt sức do nóng.

Tên của nhân viên, vai trò và giờ họ vào buồng bệnh sẽ được viết lên tạp dề để đảm bảo họ không làm việc quá thời gian cho phép.

Tầm quan trọng của quần áo bảo hộ đã được nêu bật khi một bác sĩ điều trị cho nữ y tá người Tây Ban Nha bị nhiễm vi rút công bố bức thư ngỏ nói rằng nhân viên của ông không được trang bị đầy đủ trong khi làm việc.

BS Juan Manuel Parra khiếu nại rằng bộ quần áo ông được nhận để điều trị cho Maria Teresa Romero Ramos khiến tay ông bị hở ra do tay áo quá ngắn.

Các bác sĩ điều trị ban đầu cho nữ y tá này cũng không được trang bị đầy đủ, họ chỉ mặc áo choàng không thấm nước, mang 2 găng, đội mũ và khẩu trang bình thường.
Theo Dantri

Tin cùng loại

Bình luận