Những kĩ năng sơ cứu trẻ em khi gặp nguy hiểm (P2)

Cha mẹ cần trang bị kiến thức về sơ cứu trẻ em cơ bản để nhanh chóng xử lý các tình huống mà con mình thường hay mắc phải.

Việc nhanh chóng sơ cứu trẻ em sẽ góp phần làm tiết kiệm thời gian và làm giảm nguy cơ nguy hiểm đến tính mạng cho trẻ nhỏ. Cha mẹ hãy luôn là những người chủ động và xử lý linh hoạt để tránh việc con mình phải gặp phải những hệ lụy đáng tiếc do không sơ cứu kịp thời nhé.
 

CHẢY MÁU CAM

 
Khi trẻ nhỏ hoặc người nhà bạn bị chảy máu cam, hãy thực hiện các cách sơ cứu sau:

Đặt người bệnh ngồi thẳng lưng, có tác dụng hạ huyết áp ở các tĩnh mạch mũi.

Bóp chặt mũi bằng ngón tay cái và ngón trỏ để ngăn không cho máu tiếp tục chảy, tạm thời thở bằng miệng, giữ tầm 5-10 phút.

 
So cuu
Không nên ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam​
 
Lưu ý:

-Không nên ngửa đầu ra sau khi bị chảy máu cam. Đây là việc làm hết sức sai lầm.

-Việc ngả đầu có thể gây máu chảy ngược xuống miệng khiến người bệnh bị sặc, ho. Hãy tìm cách loại bỏ máu ra ngoài nếu có hiện tượng máu chảy xuống miệng. Ngoài ra bạn có thể dùng một viên đá lạnh đặt ngay gốc mũi để khiến máu khô nhanh hơn và bớt chảy ra ngoài.

-Hạn chế việc ngoáy hoặc hắt xì mũi để ngăn việc chảy máu tái phát sau khi đã được cầm. Không nên cúi đầu trong vòng vài giờ sau khi chảy máu cam. Hãy giữ đầu ở mức cao hơn tim.

-Nếu việc chảy máu vẫn tiếp diễn hơn 30 phút, cần bóp chặt mũi như đã hướng dẫn và đưa bé đi bác sĩ kịp thời.

 

NGÃ

 
Tiến hành quấn chăn cho bé để giảm sốc nếu trẻ bị bất tỉnh dù chỉ trong thời gian ngắn, sau đó gọi cấp cứu.

Đặt bé nằm ổn định nếu vẫn còn thở và có dấu hiệu chấn thương hay gãy xương ở đầu, cổ. Tìm kiếm các vết rạn nứt sọ như máu chảy ra từ hai tai, hai con ngươi không đồng đều hoặc chảy nước từ mũi. Kiểm tra xem chân tay có bị trầy xước hay có những hình dáng bất thường không, nếu nghi xương bị gãy hãy tạm thời quấn khăn quanh chỗ đó và gọi xe cấp cứu đến.

 
So cuu
Đặt bé nằm ổn định tại chỗ nếu có dấu hiệu bị tổn thương nặng do ngã
 
Nếu trẻ không có dấu hiệu gì nghiêm trọng và vẫn tỉnh táo, dùng miếng vải đã thấm nước lạnh đắp giảm sưng lên chỗ va đập.

Theo dõi liên tục trong vòng 48 tiếng sau khi tai nạn, nếu phát hiện có vấn đề gì bất thường như chóng mặt, hoa mắt, nói khó hãy gọi ngay cho bác sĩ.

 

BONG GÂN

 
Nếu bạn nghi ngờ trẻ bị bong gân. Đầu tiên, đặt bé ngồi xuống, bọc trong khăn mặt một ít đá  và áp lên chỗ bị đau để giảm sưng tím trong vòng 10 phút. Tiến hành băng vết thương thật cẩn thận. Đảm bảo chỗ đau luôn được giữ trên cao để giảm dòng máu tới vết thương, đỡ sưng tấy.
 
So cuu
Đảm bảo chỗ đau luôn được giữ trên cao để giảm dòng máu tới vết thương
 

BẤT TỈNH

 
Nếu trẻ bị bất tỉnh, trong khi chờ cấp cứu đến, hãy làm theo các bước sau:

Dùng một tay nâng cầm bé lên và tay còn lại ấn trán bé xuống để ngửa đầu ra, hãy lắng nghe hơi thở khi đường không khí đã được mở.

 
So cuu
Khi tiến hành hô hấp nhân tạp cần kiểm tra xem ngực trẻ có phồng lên không
 
Nếu không nhận thấy dấu hiệu thở, sử dụng biện pháp hô hấp nhân tạo. Ngửa đầu bé ra, nâng cầm lên và bịt mũi. Hít một hơi thật sâu, đặt miệng lên miệng trẻ và tiến hành thổi hơi vào trong 1 giây. Chỉ được lặp lại không quá 5 lần, kiểm tra ngực trẻ có phồng lên không. Nếu không, tiến hành kiểm tra xem có xuất hiện vật cản không và vẫn phải đảm bảo đầu ngửa ra.

Dùng ngón tay đặt lên xương ức của trẻ , ấn mạnh và nhanh với tốc độ 100 lần/ phút. Sau mỗi 30 lần, lại hà hơi thổi ngạt cho bé để cung cấp oxy vào phổi. Sau hai lần hà hơi thổi ngạt lại tiếp tục ấn ngực. Lặp lại cho đến khi hơi thở trở lại.

 

BỎNG

 
Bước 1: Làm mát vết thương bỏng trong khoảng 15-20 phút bằng nước sạch (không dùng nước lạnh, nước đá để tránh trường hợp bỏng lạnh và bị nhiễm khuẩn).

Bước 2: Chú ý không nên cởi bỏ quần áo để tránh ảnh hưởng tới vùng da bỏng mà nên dùng kéo cắt bỏ toàn bộ phần quần áo che phủ vết thương bỏng, tiếp tục dội thêm nước mát vào vết thương.

Bước 3: Dùng gạc hoặc vải sạch che phủ vùng bỏng.

Trường hợp trẻ bị bỏng ở các vùng miệng, mắt hay bộ phận sinh dục thì phải đưa con đến cơ sở y tế ngay lập tức dù chỉ bị bỏng nhẹ. Xử lí tương tự với trường hợp vết bỏng lớn hơn 1 bàn tay, bị phồng rộp và trẻ có hiện tượng sốt.

 
So cuu
Cẩn thận tránh làm vỡ các bọng nước vì có thể gây nguy cơ nhiễm trùng ​

Người lớn lưu ý:

-Cẩn thận tránh làm vỡ các bọng nước vì có thể gây nguy cơ nhiễm trùng nặng cho vết bỏng.

-Không tự ý bôi các chất như nước mắm, giấm, mỡ, kem đánh răng lên vết bỏng vì như thế sẽ làm nhiễm trùng nặng hơn.

-Việc cữ ăn các loại thức ăn như tôm, cá, cua, thịt bò, thịt gà, rau muống, cam là không cần thiết vì chúng không hề gây sẹo. Hơn nữa, nếu kiêng cữ quá mức sẽ gây thiếu chất dinh dưỡng khiến vết bỏng rất lâu khỏi.

-Không sử dụng các loại băng có lông tơ mịn hoặc băng dính dán lên vùng bỏng.

Để luôn đảm bảo con em mình lớn lên được an toàn và khỏe mạnh, mỗi người làm cha mẹ hãy luôn tự giác cập nhật cho mình những kỹ năng sơ cứu trẻ em cần thiết để áp dụng và hãy thật bình tĩnh để xử lý chuẩn xác khi gặp phải các tình huống nguy hiểm.

>> 
Những kĩ năng sơ cứu trẻ em khi gặp nguy hiểm (P1)
 
Nguồn: kynangchobe

Tin cùng loại

Bình luận