Tuổi 50 và những dấu hiệu sức khỏe đáng lo ngại

Cảm giác mệt mỏi trong người, khó thở khi gắng sức, ăn uống khó tiêu… là những biểu hiện sức khỏe đáng ngại ở tuổi 50.

 

Những dấu hiệu sức khỏe báo động ở tuổi 50


Tuổi 50 như cột mốc báo hiệu quá trình lão hóa rõ nét của cơ thể. Hầu như ai cũng phải đối diện với vấn đề ngoại hình và sức khỏe. Trong đó, cơ thể bắt đầu giảm khối cơ, tăng khối mỡ, da trở nên khô và nhăn, tóc bạc xuất hiện… Bên cạnh đó, sức khỏe cũng đi xuống rõ rệt. Người tuổi từ 50 thường hay mệt mỏi; giảm sức nắm, tốc độ đi bộ; khi gắng sức như lên cầu thang, khiêng vật nặng phải thở dốc, khó thở; hay bị cảm lạnh, ho khi thời tiết thay đổi; đau nhức ở cơ xương khớp, đau lưng; ăn uống khó tiêu, rối loạn tiêu hóa.
 


Ở tuổi 50 bạn nên đi khám bệnh thường xuyên


Các dấu hiệu này không chỉ báo động tình trạng suy giảm sức khỏe, ảnh hưởng tới thể chất mà còn tác động tiêu cực đến tâm lý và tinh thần. Nhiều người rơi vào cảm giác lo âu, chán nản, thấy bất lực trước tuổi già đang đến gần. Chú Thuận (55 tuổi, quận 10, TP HCM) chia sẻ: “Tôi có thú vui trồng cây cảnh ở trên sân thượng. Bao nhiêu năm nay đều tự mình chăm sóc cây, nhưng mấy năm gần đây sức khỏe giảm, mỗi lần xách nước lên cầu thang là phải nhờ con cháu phụ giúp”. Đây cũng là nỗi niềm chung của nhiều người khi bước vào độ tuổi 50.

Để hạn chế vấn đề này, những người bước sang tuổi 50 nên quan tâm tới sức khỏe của mình bằng cách khám thường xuyên, lắng nghe tư vấn của bác sĩ... Trong đó, dinh dưỡng là điều đầu tiên cần lưu ý. Ở tuổi này, dưới tác động của quá trình lão hóa chung, hệ tiêu hóa kém dần, chức năng vị giác giảm, sức nhai yếu... Điều này khiến người trung niên thường ăn không ngon miệng. Dịch vị và lượng men tiêu hóa cũng giảm theo, gây cản trở quá trình hấp thụ dưỡng chất. Cùng đó, nhu động ruột giảm lại gây ra tình trạng táo bón.

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, người trên 50 tuổi cần chú ý cân đối hài hòa chế độ dinh dưỡng hàng ngày. Bữa ăn đảm bảo 50-60% năng lượng từ các loại thức ăn cung cấp tinh bột; 20-30% chất béo đến từ dầu thực vật hoặc cá; ăn đủ chất đạm từ thịt nạc, cá hoặc đạm thực vật; tăng cường trái cây, rau xanh.

 


Bạn cần có chế độ ăn để đảm bảo sức khỏe


Song song với việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, người trung niên nên duy trì những vận động nhẹ nhàng, như bơi lội, đi bộ, tập yoga, dưỡng sinh. Những vận động này không chỉ giúp máu huyết lưu thông, tăng sự dẻo dai mà còn mang đến sự thoải mái tinh thần, lạc quan.
 

Theo Vnexpress

Tin cùng loại

Bình luận