Làm sao lấy ráy tai cho trẻ đúng cách

Sau khi trẻ tắm xong các mẹ thường có thói quen lấy bông tăm ngoáy tai cho trẻ. Theo PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, Nguyên Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai việc làm này chỉ tốn tiền vô ích và gây hại cho trẻ.

 

Ráy tai để bảo vệ tai trẻ

Việc lấy ráy tai cho trẻ con dưới bất cứ hình thức nào như: dùng tăm bông, dụng cụ chuyên dụng hay ra ngoài hiệu lấy theo khẳng định của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng đều là một quan niệm sai lầm, gây hại cho trẻ. Bởi vì, theo lý giải của ông, tai trẻ thường tiết ra một ít ráy, ráy đó có thể khô hoặc ướt. Việc tiết ra ráy tai là cơ chế của cơ thể mang tính chất bảo vệ cho tai. Mà quan trọng nhất là màng nhĩ ở phía trong.
 
 
 
“Màng nhĩ ở ngay ống vào của tai. Tất cả cái gì muốn chọc vào màng nhĩ thì đều phải qua cái ráy. Như vậy, bản chất của cái ráy sẽ ngăn cản tất cả các con côn trùng, con kiến bò vào tai. Khi con côn trùng bò vào tai thấy cái ráy thì phải chạy ra và không vào sâu được. Như vậy, ráy tai bản chất là bảo vệ tai không nên ngoáy ra làm gì cả. Ráy nó làm cho một vài người khó chịu thì chỉ gãi một vài cái là hết.”- PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng nói.
 
Trong trường hợp khi tắm cho trẻ nhỏ, nếu có một chút nước vào tai các mẹ chỉ cần nghiêng tai trẻ để nước chảy ra sau đó dùng bông thấm nước ngoài vành tai. Cha mẹ không nên tự ý lấy bông tăm ngoáy sâu vào tai trẻ vì theo lời khuyên của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng,bất kỳ sự can thiệp nào vào tai trẻ nhỏ cũng có thể gây rối loạn quá trình tự làm sạch của ống tai ngoài. Việc lấy ráy tai quá sạch sẽ gây tổn thương những tế bào lông và màng nhĩ. Ở trẻ nhỏ hệ miễn dịch chưa hoàn thiện rất dễ bị tổn thương. Khi lấy ráy cho trẻ dụng cụ lấy ráy tai không sạch, mất vệ sinh sẽ vô tình đẩy vi khuẩn từ ngoài ống tai thâm nhập vào trong tai gây viêm tai giữa cho trẻ, thậm chí nhiễm trùng não rất nguy hiểm.
 
 
 

Khi nào nên lấy ráy tai

Chỉ nên lấy ráy tai cho trẻ trong trường hợp, trẻ bị nút ráy tai. Nút ráy tai theo chia sẻ của PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng là “ráy tai quá nhiều, dẻo như nhựa đường bịt chặt tai làm cho âm thanh không thể vang vào trong qua màng nhĩ. Lúc này đứa trẻ sẽ bị ù tai và không nghe thấy tiếng động bên ngoài”.
 
 
 
Nếu như trẻ rơi vào trường hợp này cha mẹ không được tự lý dùng thuốc hay lấy ráy tai của trẻ mà cần phải đưa trẻ ngay tới bệnh viện. Tại bệnh viện bác sỹ sẽ bơm các hóa chất để làm lỏng và hút ráy tai ra ngoài. Bác sỹ Tiến Dũng cho hay cách lấy ráy tai như vậy mới an toàn cho trẻ. Tai trẻ không hề bị trầy xước hay chảy máu. Ông cũng khẳng định: “Những người không được đào tạo về y khoa thì tuyệt đối không được lấy ráy tai và cũng không nên lấy ráy tai để làm gì”.
 
Nguồn Xaluan.com 

Tin cùng loại

Bình luận