Suy giảm trí nhớ ở người trẻ: Bệnh không nên coi thường

Bệnh suy giảm trí nhớ không còn là bệnh của người già mà rất nhiều người trẻ cũng mắc, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc, chất lượng cuộc sống.

 

Bệnh lúc nhớ lúc quên
Chuyện lúc nhớ, lúc quên ngày nay không còn là bệnh của tuổi già. Hiện, ngày xuất hiện ngày càng nhiều người trẻ bị lão hóa sớm về mặt trí nhớ. 
 
Bước ra từ phòng khám về thần kinh, chị Nguyễn Thu Hạnh (Cầu giấy- Hà Nội) chia sẻ với công việc tiếp thị chuyên đưa giao bán hàng không hiểu sao rất nhiều lần sau khi đưa hàng cho khách hàng chị quên ko lấy tiền. Sau đó lại phải quay lại đi hỏi tiền có lần lấy được, có lấy không. Sau nhiều lần mất tiền mình đã chuyển sang làm công việc khác nhưng sự làm đâu quên đó của mình không khá lên mấy.
 
Chị quyết định đi khám và được bác sĩ cho biết chị bị ảnh hưởng của bệnh suy giảm trí nhớ.
 
Hay trường hợp chị Nguyễn Thị Thanh Nhàn (Đường Lê Trọng Tấn – Thanh Xuân), nhiều lần đi chợ về  chị thường hay nấu thức ăn để trưa cho các cháu về ăn cơm nhưng toàn quên không tắt bếp. Có hôm đang bắc nồi cá lên kho vội vàng  đưa con đến lớp, rồi đến cơ quan. Đi đến gần cơ quan chị sực nhớ quên chưa tắt bếp, chị hối hả lao thẳng về nhà thì nồi cá đã thành than. Rất may chưa xảy ra cháy nổ.
 
Lý giải cho hiện tượng người trẻ, đang trong độ tuổi sung mãn cũng bị suy giảm trí nhớ, Bs Mạnh Quân, BV Tâm thần Trung  ương, cho biết, phần lớn do nhịp sống quá căng thẳng. Việc  suy giảm trí nhớ, nhất là ở người trẻ, người đang trong độ tuổi lao động rất nguy hiểm. Bệnh không chỉ ảnh hưởng tới công việc, làm giảm chất lượng sống, năng lực của họ mà đôi khi còn ảnh hưởng tới những người xung quanh…
 


Bệnh suy giảm trí nhớ không còn là bệnh của người già mà rất nhiều người trẻ cũng mắc, gây ảnh hưởng không nhỏ tới công việc, chất lượng cuộc sống

 

Bên cạnh đó, suy giảm trí nhớ còn hay xảy ra ở các đối tượng sử dụng chất kích thích bia, rượu, thuốc lá, bị chấn thương sọ não, những người bị bệnh về rối loạn chuyển hóa tim, mạch, tiểu đường, huyết áp. Đặc biệt, các bệnh nhân sau khi đột quỵ, người sống trong môi trường có nhiều tiếng ồn cũng được ghi nhận là có nguy cơ suy giảm trí nhớ rất nhanh, rõ rệt. 

 

Hiện nay, chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ người trẻ hay quên, song ước tính 20-30% người mắc bệnh suy giảm trí nhớ dưới tuổi 35. Họ là những học sinh, sinh viên hoặc công chức thường chịu áp lực trong công việc, học tập gây chứng nhức đầu, đau nhức vai cổ, mất ngủ, stress… 

 

Không nên chủ quan với bệnh
GS Lê Đức Hinh, chủ tịch Hội Thần kinh học Việt Nam, cho biết, theo một nghiên cứu tại Mỹ cho thấy, có khoảng 200.000 người trẻ mắc bệnh, chiếm 4-10% trường hợp mất trí nhớ ở nước này.
 
Còn tại Việt Nam, một khảo sát của Bộ Y tế cho thấy trong số gần 1.000 người hơn 60 tuổi tham gia khảo sát có đến 12,8% suy giảm trí tuệ do tai biến mạch máu não, nguyên nhân thứ 2 là đái tháo đường (9,2%). Sau 5 năm, tỷ lệ bệnh nhân suy giảm trí nhớ tăng 1,5-2 lần.
 
Bệnh nhân suy giảm trí nhớ nếu không được chẩn đoán và điều trị tích cực có thể chuyển thành sa sút trí tuệ chỉ trong vòng 3 năm sau. 
 
Theo GS Lê Đức Hinh, ở người trẻ, giảm trí nhớ thường liên quan nhiều đến quá trình ghi nhận. Vì thế, khi bắt đầu có những rối loạn về trí nhớ, người bệnh cần phải xác định được đó là biểu hiện bình thường hay bệnh lý. Biểu hiện bình thường nếu chỉ thỉnh thoảng mới quên. Suy giảm trí nhớ nếu có dấu hiệu  trở nên nặng hơn nếu việc quên này trở thành quên hoàn toàn, ngay cả khi được gợi nhớ nên đi gặp bác sĩ.
 
Để duy trì trí nhớ, đầu tiên chúng ta phải loại bỏ những yếu tố nguy cơ gây ra chuyện quên bằng cách tổ chức cuộc sống hợp lý, khoa học,thu xếp công việc ngăn nắp, tránh căng thẳng, hạn chế tối đa hút thuốc lá và uống rượu. Đặc biệt, rượu có thể gây ảnh hưởng đến trí nhớ nhiều. Khi có những biểu hiện mệt mỏi, đau nhức, mất ngủ… bệnh nhân phải đi khám để điều trị căn nguyên.
 
Ngay cả với những trẻ đang trong độ tuổi đến trường cũng có thể mắc chứng bệnh này. Với các em, cha mẹ cần sắp xếp việc ăn, ngủ, học phù hợp. Không nên bắt trẻ học quá nhiều, cho trẻ xem tivi, chơi game quá nhiều mà cần cho trẻ ra ngoài, tăng cường vận động, GS Hinh nhấn mạnh.
 
Theo các chuyên gia về thần kinh  để tăng khả năng nhớ và tư duy tránh tình trạng suy giảm trí nhớ  mỗi người cần tìm mọi cách giữ tinh thần lành mạnh trong một cơ thể khỏe mạnh.
 
Những người trẻ cũng phải tập luyện khả năng ghi nhớ bằng cách tăng cường quan sát, ghi nhận, quan sát các đồ vật xung quanh bằng mắt, dùng trí tưởng tượng để liên hệ, so sánh, ghi chép những việc cần làm…  

Những người cảm thấy mình hay quên, khi làm việc gì đó hãy cố gắng tập trung.  Tránh làm nhiều việc một lúc như vừa xem ti vi, vừa viết báo cáo, hoặc vừa nấu cơm, vừa nghe điện thoại, vừa giảng bài cho con học lại vừa tranh thủ làm việc nhà…

Nếu thấy mình có triệu chứng suy giảm trí nhớ nên đi khám các bác sỹ chuyên khoa để được tư vấn và điều trị kịp thời. 

Theo Trí thức trẻ

Tin cùng loại

Bình luận